Đồng đô la Mỹ 'hạ nhiệt' cuối tuần sau khi lập đỉnh

Đồng đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần vào thứ Sáu (9-9), sau khi tăng mạnh và phá kỷ lục so với hầu hết các loại tiền tệ khác vào đầu tuần. Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện khi nhiều loại tài sản tài chính khác phục hồi, nhưng khả năng tăng trở lại vẫn là dấu hỏi.

Chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ chững lại vào cuối tuần.

Chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ chững lại vào cuối tuần.

Cuối tuần trước, chỉ số đô la đo lường giá trị đồng bạc xanh với rổ ngoại tệ mạnh khác, đã ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất 108,35 điểm, sau đó phục hồi trở lại ở mức 108,96 điểm, ghi nhận mức giảm theo tuần đầu tiên trong bốn tuần qua.

Đồng bạc xanh giảm trong bối cảnh một trong những đồng tiền ảnh hưởng lớn là euro tăng mạnh 1,2%, lên mức cao nhất trong ba tuần là 1,0114 so với đồng đô la Mỹ, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản lên 75 điểm cơ bản, mức tăng được đánh giá là lớn “chưa từng có”, đồng thời cam kết tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Trước đó, đồng bạc xanh trong tuần đã liên tục tăng, khi chỉ số đô la tăng lên mức cao nhất trong hơn 20 năm kể từ khi ra đời, đồng thời ghi nhận mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yên của Nhật Bản và cao nhất trong 37 năm so với đồng bảng Anh.

Khi đồng bạc xanh giảm cuối tuần, giá trị các đồng tiền khác được cải thiện. Theo đó, đồng bảng Anh tăng 0,8% trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh cho biết sẽ dời cuộc họp chính sách tiền tệ.

Đồng yen Nhật cũng thoát mức thấp kỷ lục so với đô la khi về mức 142,675 yen/đô la, tăng 1%. Trong khi đó, đồng đô la Úc cũng tăng 1,3% so với đô la Mỹ, mức tăng hàng ngày tốt nhất trong một tháng qua.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa tăng lãi suất kỷ lục thêm 75 điểm cơ bản trong bối cảnh lạm phát khu vực EU tăng mạnh.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa tăng lãi suất kỷ lục thêm 75 điểm cơ bản trong bối cảnh lạm phát khu vực EU tăng mạnh.

Đồng đô la Mỹ yếu đi vào cuối tuần giúp các tài sản tài chính khác được phục hồi, khi tâm lý nhà đầu tư cải thiện phần nào. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn giữ quan điểm nghi ngờ về khả năng tăng giá trở lại.

Trên thị trường kim loại quý, vàng tăng trở lại vào cuối tuần, ghi nhận mức giá ngay tăng khoảng 0,5% lên 1.716,30 đô la/ounce, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30-8 trước đó trong phiên. Tính theo tuần thì vàng tăng 0,3%, ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong bốn tuần.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khả năng tăng giá khó có thể duy trì. Thị trường vàng tiếp tục ghi nhận khối lượng giao dịch sụt giảm chậm và ổn định của các quỹ giao dịch hối đoái (ETF).

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô tăng mạnh trở lại vào hôm cuối tuần, trước thông tin về khả năng cắt giảm nguồn cung. Dầu thô Brent tăng 4,1%, lên 92,84 đô la/thùng, còn dầu thô WTI (Mỹ) tăng 3,9%, lên mức 86,79 đô la/thùng. Tuy nhiên tính theo tuần thì dầu Brent giảm khoảng 0,2% sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1, còn dầu WTI giảm 0,1%.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Công nghiệp Dow Jones tăng mạnh 1,19% vào cuối tuần, tương tự với chỉ số S&P 500 tăng 1,53%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,11%. Tính theo tuần thì ba chỉ số này tăng lần lượt 2,7%, 3,6% và 4,1%.

Mức tăng mạnh này diễn ra sau đợt bán mạnh vào giữa tháng 8, do lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, dấu hiệu suy thoái ở châu Âu và Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng vẫn cho rằng sự phục hồi của thị trường trong tuần này có liên quan nhiều hơn đến việc bán quá mức trước đó, trước những lo ngại về lạm phát và tăng lãi suất đô la.

Trên thị trường tiền mã hóa, đồng bitcoin bất ngờ tăng mạnh 10,1%, lên mức hơn 21.300 đô la Mỹ/đồng, mức tăng được đánh giá là cao nhất kể từ ngày 19-7. Tuy nhiên, theo Tarusha Mittal, đồng sáng lập của nền tảng UniFarm, được Bloomberg dẫn lại, hiện vẫn còn quá sớm để cho rằng đợt tăng giá mới xuất hiện, nhưng nếu đồng bitcoin lấy lại mốc hỗ trợ trên 22.000 đô la/đồng thì có thể giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư hơn.

Thông tin đáng chú ý trong tuần này được chờ đợi là dữ liệu giá tiêu dùng mới của Mỹ, đây là chỉ số quan trọng để xác định mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại cuộc họp chính sách tháng này.

Các nhà kinh tế của Wells Fargo dự đoán lạm phát sẽ có tháng giảm mạnh nhất kể từ đại dịch vào tháng 4-2020, nhờ sự giảm giá của giá xăng. Dự kiến trong tháng 8, CPI tăng với 8,1% so với cùng kỳ, trong khi tháng 7 là 8,5%.

Trong khi đó, theo công cụ theo dõi Fed của CME Group, các nhà đầu tư đã nâng xác suất Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lên mức 90%, từ mức 57% trong tuần trước đó. Theo Reuters, chỉ số CBOE, đo lường mức độ lo ngại của nhà đầu tư, đóng cửa ở mức thấp nhất trong hai tuần là 22,79 điểm, nhưng vẫn ở trên mức trung bình dài hạn là 20 điểm.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-do-la-my-ha-nhiet-cuoi-tuan-sau-khi-lap-dinh/