Đồng đô-la Mỹ, Nhân dân tệ rớt giá mạnh, dân Triều Tiên thi nhau bán tháo

Cả đồng đô-la Mỹ và đồng Nhân dân tệ đều đã trải qua mức giảm sâu nhất trong thời gian ngắn nhất kể từ cuộc cải cách tiền tệ năm 2009 của Triều Tiên.

Những thương nhân người Triều Tiên bày bán hàng hóa bên lề một khu chợ ở Sunchon, tỉnh Nam Pyongan vào tháng 10/2018. (Nguồn: Daily NK Photo).

Tỷ giá tăng nhanh rồi giảm mạnh

Đồng đô-la Mỹ và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh so với đồng Won của Triều Tiên một lần nữa. Bất chấp việc các nhà chức trách Triều Tiên gần đây đã cấp waku (giấy chứng nhận thương mại) mới, các tổ chức và cá nhân liên quan đến thương mại của Triều Tiên đã vội vàng bán phá giá ngoại tệ của họ khi Chính phủ công bố các biện pháp kiểm soát thương mại mới.

Mới đây, hãng tin Daily NK đã xác định thông qua một số nguồn tin rằng, tỷ giá Won Triều Tiên KPW – Nhân dân tệ RMB ở Triều Tiên là 660 KPW/RMB, giảm 32% so với mức 965 KPW/RMB vào ngày 2/6.

Tình hình cũng tương tự ở thành phố Sinuiju. Tỷ giá KPW-RMB ở thành phố phía tây bắc này là 680 KPW/RMB vào ngày 8/6, tương tự mức giảm 30%.

Bên cạnh đó, tỷ giá KPW-USD giảm ít nghiêm trọng hơn, nhưng đồng đô-la Mỹ cũng đang suy yếu rõ ràng trên toàn Triều Tiên.

Tỷ giá KPW-USD vào ngày 8/6 là 5.990 KPW/USD ở thủ đô Bình Nhưỡng và 5.950 KPW/USD ở thành phố Sinuiju, giảm tương ứng 16% và 17% so với 6 ngày trước.

Tỷ giá hối đoái của Triều Tiên cũng giảm đáng kể trong quý 4 năm ngoái. Tuy nhiên, sự sụt giảm khi đó diễn ra liên tục trong suốt gần 2 tháng, bắt đầu ngay trước Ngày thành lập Đảng vào ngày 10/10, vì vậy, mức giảm khi đó diễn ra từ từ hơn so với lần này.

Trên thực tế, đồng đô-la Mỹ và đồng Nhân dân tệ đã liên tục tăng giá sau khi các nhà chức trách thông báo họ chấp nhận các đơn đăng ký waku mới vào tháng 4.

Tỷ giá KPW-USD đã vượt qua 7.000 KPW/USD vào ngày 18/5, ngay trước khi waku mới được ban hành. Đồng Nhân dân tệ cũng đã vượt ngưỡng 1.000 KPW/USD.

Daily NK đã phát hiện ra rằng tỷ giá hối đoái - vốn đã tăng liên tục do kỳ vọng về việc mở cửa thương mại trở lại và phát hành waku mới - đột nhiên sụp đổ là do các biện pháp kiểm soát thương mại mới được ban hành bởi chính quyền Triều Tiên gần đây.

Thi nhau “ôm”, thi nhau bán phá giá

Theo một nguồn tin cấp cao, Ủy ban Trung ương Triều Tiên đã ban hành lệnh vào ngày 3/6 nói với những người nhận waku mới rằng chứng chỉ của họ không có nghĩa là họ có thể tham gia giao dịch “ngay lập tức”. Nếu họ tham gia vào hoạt động buôn bán mà không có sự chấp thuận của Đảng thì hành vi đó sẽ bị coi là buôn lậu và bị trừng phạt nghiêm khắc.

Lệnh này đã được chuyển đến các tổ chức liên quan thông qua cuộc diễn thuyết vào ngày thứ Bảy vừa qua của Bộ Quan hệ Kinh tế Đối ngoại.

Các mệnh lệnh của Ủy ban Trung ương hiếm khi được thông qua trong các bài diễn thuyết ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà chức trách Triều Tiên đã chia sẻ thông tin này vì có sự quan tâm đặc biệt tới việc tái khởi động thương mại Trung-Triều ngay cả trong nội bộ Triều Tiên.

Theo một nguồn tin khác, các tổ chức và thương nhân chuẩn bị cho thương mại mới đã vội vàng bán phá giá đồng đô-la Mỹ và đồng Nhân dân tệ của họ kể từ khi lệnh của Ủy ban Trung ương được ban hành.

Tóm lại, các tổ chức và cá nhân đã kỳ vọng rằng thanh khoản tiền mặt sẽ mở rộng khi bắt đầu mở lại hoạt động thương mại nên đã vay tiền với lãi suất cao để mua ngoại hối và giờ đây, họ đang phải bán phá giá chúng trước khi họ chịu lỗ lớn hơn.

Trong khi đó, với việc tỷ giá hối đoái giảm và tin đồn lan rộng trên toàn quốc rằng biên giới sẽ vẫn đóng cửa, giá hàng hóa thị trường dường như đang leo thang.

Sự bất mãn của người dân Triều Tiên gia tăng về các khía cạnh cơ bản trong cuộc sống của họ có thể ảnh hưởng đến khả năng quản lý của chính quyền. Vẫn chưa rõ liệu các nhà chức trách có thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả hàng hóa thị trường hay không.

Sơn Tùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-do-la-my-nhan-dan-te-rot-gia-manh-dan-trieu-tien-thi-nhau-ban-thao-post138083.html