Đồng Nai: Vấn đề đầu tư trạm trung chuyển chất thải vẫn còn chậm

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Đồng Nai mới chỉ có 14/63 trạm trung chuyển rác cơ bản đáp ứng quy chuẩn của Bộ Xây dựng và tiêu chí môi trường, chiếm tỷ lệ 22%, còn tới 49 trạm trung chuyển điểm tập kết rác tạm thời.

Liên quan đến vấn đề đầu tư, xây dựng trạm trung chuyển rác tại các địa phương đã có nhiều quy định, quy chuẩn kỹ thuật nêu rõ về việc thực hiện vấn đề này. Cụ thể, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, UBND các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng làm điểm tập kết, trạm trung chuyển rác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Năm 2021, Bộ Xây dựng cũng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng trong đó đưa ra yêu cầu, tiêu chí cụ thể đối với trạm trung chuyển.

Việc triển khai đầu tư xây dựng trạm trung chuyển chất thải tại tỉnh Đồng Nai vẫn còn chậm chạp.

Việc triển khai đầu tư xây dựng trạm trung chuyển chất thải tại tỉnh Đồng Nai vẫn còn chậm chạp.

Mặc dù quy định, hướng dẫn đã có nhưng việc triển khai đầu tư xây dựng trạm trung chuyển chất thải tại tỉnh Đồng Nai vẫn còn chậm. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện nay toàn tỉnh mới có 14/63 trạm trung chuyển rác cơ bản đáp ứng quy chuẩn của Bộ Xây dựng và tiêu chí môi trường, chiếm tỷ lệ 22%; còn tới 49 trạm trung chuyển, điểm tập kết rác tạm thời.

Cụ thể, TP.Biên Hòa là đô thị loại I và cũng là địa phương phát sinh nhiều rác nhất tỉnh Đồng Nai nhưng chưa có trạm trung chuyển rác. Các điểm tập kết rác hiện tại là chợ, công viên, đường phố, bãi đất trống...; TP.Long Khánh hiện có 1 trạm trung chuyển rác, trạm này cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, đảm bảo khoảng cách với nhà dân nhưng lại nằm trên đất của hộ gia đình quản lý sử dụng.

Còn tại huyện Long Thành, từ năm 2021 đã xác định 6 vị trí, sau đó cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng hiện vẫn chưa triển khai được do phải tính toán thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng; huyện Trảng Bom quy hoạch 2 trạm trung chuyển nhưng còn phải thực hiện các thủ tục đất đai, xin chủ trương đầu tư dự án xã hội hóa.

Theo ông Đỗ Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, trên địa bàn thành phố có quy hoạch 1 trạm trung chuyển ở P.Phước Tân. Trạm có quy mô dự kiến khoảng 10ha, đảm bảo tập kết rác thải cho toàn thành phố nhưng đến nay dự án chưa triển khai.

“Do không có trạm trung chuyển nên rác thải từ 30 phường, xã phải dồn về các điểm tập kết tạm, hoạt động này ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan và giao thông đô thị. Việc tồn tại các điểm tập kết rác ngay chợ, đường, khu dân cư gây mùi hôi đã được người dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng vì thiếu trạm trung chuyển chất thải nên không còn cách nào khác”, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Long Khánh cho biết, thành phố đang thực hiện quy hoạch phân khu. Sau khi có quy hoạch phân khu, trường hợp trạm trung chuyển rác hiện hữu phù hợp các quy hoạch sẽ thỏa thuận với chủ sử dụng đất để nâng cấp.

“Trường hợp không phù hợp với các quy hoạch sẽ tính toán phương án đầu tư trạm trung chuyển khác để đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố và đáp ứng tiêu chí hạ tầng đô thị”, ông Tuấn cho biết.

Thông tin về vấn đề đầu tư, xây dựng trạm trung chuyển rác, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, sở đã làm việc với các địa phương, đồng thời đã có văn bản gửi các huyện, thành phố đề nghị rà soát, đưa ra lộ trình thực hiện các trạm trung chuyển.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương xác định đầu tư các trạm trung chuyển đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và điều kiện phát triển của địa phương.

Bên cạnh đó, kịp thời cập nhật các vị trí trạm trung chuyển vào quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư, xây dựng. Kế hoạch đến năm 2025, hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động 100% các trạm trung chuyển rác theo quy hoạch.

Ngoài ra, trạm trung chuyển là khu vực chứa các loại chất thải trước khi đưa về nhà máy xử lý. Khu vực này phải đảm bảo quy mô về diện tích, thể tích; đáp ứng tiêu chí kỹ thuật về xây dựng, môi trường; đảm bảo khoảng cách với khu dân cư.

Yến Thanh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/dong-nai-dau-tu-tram-trung-chuyen-chat-thai-van-con-cham-79011.html