Dòng sông mang lửa huyền thoại giữa rừng Trường Sơn
Là kỹ sư tham gia thiết kế thi công tuyến đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu đã kể lại lịch sử hảo hùng của bộ đội đường ống Trường Sơn qua tiểu thuyết Dòng sông mang lửa.

Sách Dòng sông mang lửa. Ảnh: H.P.
Đường ống xăng dầu trong chiến tranh có thể ví như một dòng sông mang lửa vì chỉ trúng một mảnh bom là bùng cháy, khi đó máy bay địch sẽ bâu lại đánh phá, tổn thất và thương vong khó mà đo đếm được.
Mặc dù vậy, đường ống vẫn vượt qua núi cao, vực sâu, thời tiết khắc nghiệt, sự đánh phá hủy diệt từ trên không và sự ngăn chặn của bộ binh địch, đưa xăng vào tận Nam Bộ. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên đã đánh giá: “Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.
Là kỹ sư tham gia thiết kế thi công tuyến đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu đã kể lại lịch sử hảo hùng của bộ đội đường ống Trường Sơn qua tiểu thuyết Dòng sông mang lửa.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu phát biểu trong lễ giới thiệu bản tái bản tác phẩm Dòng sông mang lửa sáng 25/7 tại Hà Nội. Ảnh: H.P.
Tác phẩm ra mắt lần đầu năm 2012, từng đoạt Giải B Giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2009-2014. Mới đây, sách được tái bản bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Tiểu thuyết Dòng sông mang lửa cho bạn đọc biết quá trình đường ống được xây dựng năm 1968 đến ngày toàn thắng năm 1975. Đó là những cuộc thi gan và đấu trí gay cấn giữa sự đánh phá khốc liệt của Không lực Mỹ với sự dũng cảm mưu trí, sáng tạo của bộ đội đường ống. Cuốn tiểu thuyết cũng kể về những tấm gương hy sinh anh dũng, thân phận người lính trong chiến tranh, trong đó có những người sau này đã được vinh danh Anh hùng LLVT như Trung sĩ Nguyễn Lương Định (nhân vật Định trong tiểu thuyết).
“Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đã khắc họa rất rõ cái bi, cái hùng của bộ đội đường ống - bộ đội Trường Sơn - nơi ông đã sống nhiều năm trời cùng nó, gắn bó với nó nên mới viết ra những dòng gan ruột đến vậy. Ông viết về bộ đội xăng dầu, nhưng tôi nghĩ ông đã vẽ thêm một khoảng sáng vào truyền thống của bộ đội cụ Hồ”, trung tướng Phùng Khắc Đăng nhận xét về tác phẩm.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dong-song-mang-lua-huyen-thoai-giua-rung-truong-son-post1560286.html