Đồng Tháp gỡ vướng nhiều công trình trọng điểm
Sau khi hợp nhất với Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp rà soát loạt công trình trọng điểm. Lãnh đạo địa phương thị sát, làm việc với chủ đầu tư, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo đà thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bàn giao mặt bằng hơn 90%
Ngày 25/7, không khí thi công hai bên bờ sông Bảo Định nhộn nhịp với nhiều phương tiện hoạt động. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, hơn 90% mặt bằng dự án đã được bàn giao. “Kết quả này đến từ những đợt kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng,” đại diện Ban Quản lý cho biết.

Nhà thầu thi công dự án 2 bên bờ sông Bảo Định.
Dự án đường giao thông dọc hai bờ sông Bảo Định được UBND tỉnh Tiền Giang cũ phê duyệt ngày 29/12/2021, có chiều dài hơn 10km, đi qua phường 5, phường 10 và xã Đạo Thạnh. Đây là một trong những công trình trọng điểm, dự kiến sẽ trở thành điểm nhấn đô thị của TP Mỹ Tho, góp phần phòng chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu, ngăn triều cường, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất - sinh hoạt của Đồng Tháp và Tây Ninh. Đồng thời, dự án còn phục vụ chỉnh trang đô thị trung tâm, tăng cường kết nối du lịch giữa hai địa phương.
Đây là công trình giao thông nhóm A, cấp II, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó hơn 726 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng. Dự án gồm 5 gói thầu xây lắp, triển khai các hạng mục chính: tuyến đường dọc hai bờ sông dài gần 9,98km; kè bê tông cốt thép dự ứng lực dài 10,28km; hệ thống thoát nước, chiếu sáng; ba công viên và mảng xanh dọc bờ Bắc, cùng các điểm tăng cường cây xanh phía bờ Nam.
Thời gian triển khai dự án là 6 năm (2022-2027), vốn từ ngân sách Trung ương 1.350 tỷ đồng, phần còn lại từ ngân sách địa phương. Theo hợp đồng, các gói thầu hoàn thành tháng 3/2025. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng và thiếu vật liệu, dự án bị chậm tiến độ. UBND tỉnh đã đồng ý gia hạn đến cuối năm 2025. Đến nay, hai gói thầu đầu tuyến đã thi công đạt 64% giá trị, tương đương gần 525 tỷ đồng.
UBND tỉnh cho biết, dù nhà thầu đã huy động đầy đủ máy móc, vật tư, thiết bị, nhưng việc bàn giao mặt bằng chưa đồng bộ, nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường hoặc chưa tháo dỡ, đất công còn vướng thủ tục pháp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ. Sau khi gỡ vướng, địa phương đã vận động người dân bàn giao hơn 90% mặt bằng.
Chủ đầu tư khẳng định: "Ở những đoạn đã có mặt bằng, chúng tôi và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đồng loạt triển khai thi công. Trong thời gian tới, sẽ đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, phấn đấu đến ngày 31/8 hoàn thành phần đóng cọc tại các đoạn đã giao mặt bằng, đồng thời thi công tường kè bê tông và các hạng mục khác".

Phối cảnh dự án 2 bên bờ sông Bảo Định thúc đẩy phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và tiềm năng du lịch địa phương.
Khẩn trương hoàn thành dự án
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, sau hợp nhất, địa phương ưu tiên nhiều công trình giao thông trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Trong đó, dự án tuyến ĐT857 có tổng mức đầu tư 2.180 tỷ đồng, đi qua ba huyện Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười cũ.
Dự án tuyến ĐT857 bắt đầu tại cầu An Phong (huyện Thanh Bình) và kết thúc tại xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười), dài 44,8km, đạt chuẩn cấp IV đồng bằng, nền đường rộng 9m, mặt đường láng nhựa rộng 7m. Tuyến có 27 cầu bê tông cốt thép, bề rộng cầu 9m.
Khi hoàn thành, tuyến sẽ tạo thêm trục giao thông mới, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ba huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp và tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời kết nối với các tỉnh lân cận như An Giang và Tây Ninh.
Dự án thực hiện từ 2021 - 2025. Năm 2021 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng 50% mặt bằng; năm 2022 hoàn thành GPMB và thi công 20% khối lượng; năm 2023 đạt 60%; năm 2024 hoàn thiện toàn bộ công trình và quyết toán vào năm 2025.
Đến nay, dự án đạt hơn 48% tiến độ. Hạng mục cầu cơ bản hoàn thành, phần đường đang được đẩy nhanh thi công. Tổng vốn đã bố trí hơn 1.600/2.179 tỷ đồng, giá trị thanh toán lũy kế đạt 48,24%. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu hụt vật liệu như cát, đá xây dựng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, dự án ĐT857 hiện đạt hơn 48% tiến độ. Phần cầu đã hoàn thành trên 90%, phần đường đang được đẩy nhanh thi công. Tổng vốn bố trí đến nay đạt hơn 1.600/2.179 tỷ đồng; giá trị thanh toán lũy kế của các gói thầu vượt 540/1.121 tỷ đồng, tương đương 48,24%.
Tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư. Từ tháng 6/2025, dự án được bổ sung nguồn cát, tạo điều kiện thuận lợi để tăng tốc thi công. Dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Nhiều tuyến cầu đang được thi công tại dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp.
Triển khai 40 mũi thi công
Dự án thành phần 2 thuộc tuyến ĐT864 (đường dọc sông Tiền) cũng là công trình trọng điểm đang thi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.173 tỷ đồng, dài khoảng 44km: xây dựng mới 21km, nâng cấp mở rộng 9,5km và tận dụng 13,5km hiện trạng.
Hiện đã hoàn thành đoạn từ QL50 đến đường tỉnh 877B và cầu Vàm Giồng dài 15,7km, đạt 68,3% tổng mức đầu tư. Đoạn Long Bình - Đèn Đỏ dài 14,79km khởi công ngày 26/6, đang triển khai thi công; đoạn Đèn Đỏ - Tân Thành dài 3,9km đang giải phóng mặt bằng với chi phí khoảng 60 tỷ đồng, tổng mức đầu tư khoảng 114 tỷ đồng.
Để kịp tiến độ cuối năm 2025, Ban QLDA giao thông Đồng Tháp tích cực phối hợp với các đơn vị, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu. Liên danh nhà thầu đang triển khai 40 mũi thi công. Phần tuyến thi công đường công vụ, đắp cát hoàn trả, cắm bấc thấm, đắp gia tải xử lý đất yếu; phần cầu đang đóng cọc thử, đóng cọc đại trà, thi công kết cấu phần dưới, sản xuất và lắp dầm, thi công dầm sàn liên tục. Tính đến ngày 15/7, khối lượng xây lắp đạt hơn 37%.
BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với liên danh tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu thi công tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu xây dựng công trình dự án thành phần 2.
Theo đó, các bên cam kết, từ ngày - 10/10 hoàn thành phần đường, công tác đắp gia tải những đoạn xử lý nền đất yếu, gia tải toàn tuyến... Đồng thời huy động cấp phối đá dăm tập kết về công trường để chủ động vật liệu đồng thời sử dụng làm vật liệu gia tải nền đường.
Từ ngày 10/10 - 31/12, hoàn thành cơ bản toàn bộ công tác lao lắp dầm các cầu trên tuyến và toàn bộ kết cấu chính của các cầu. Chủ đầu tư, liên danh tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu quyết tâm huy động tối đa nhân lực, vật lực, tài lực phát động thi đua để hoàn thành toàn bộ hạng mục nêu trên của gói thầu đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.