Đồng tình cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Đến nay, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tối 27-6, làm 2 người tử vong và nhiều người khác bị thương vẫn được dư luận quan tâm. Đáng chú ý, nữ tài xế gây tai nạn đã say xỉn và chưa có bằng lái xe.

Chỉ vì sự chủ quan, không tuân thủ pháp luật mà nữ tài xế đã gây ra hậu quả nặng nề. Vụ tai nạn đã tước đi sinh mạng của 2 người vô tội, mang đến đau thương mất mát vô cùng to lớn cho gia đình nạn nhân; 5 người bị thương phải nhập viện điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc. Bản thân người gây tai nạn cũng bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Thậm chí, người giao xe cho nữ tài xế này lái cũng bị liên đới trách nhiệm.

Trước đó, vào sáng 27-6, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025). Trong đó, có quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.

Điều này một lần nữa khẳng định sự thống nhất, đồng lòng rất lớn của các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng trong việc xây dựng văn hóa giao thông nói không với sử dụng rượu, bia; nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật về giao thông cho người dân; kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn không chỉ giảm tai nạn giao thông đường bộ mà còn giảm tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Ngoài ra, quy định cấm tuyệt đối người điều khiển xe mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn với chế tài nghiêm minh sẽ tiếp tục góp phần thay đổi thói quen trong sử dụng rượu, bia của người dân; khắc phục triệt để tình trạng “né chốt”, “xin - cho” trong xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của việc điều khiển xe mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn cần tiếp tục được quan tâm và đổi mới theo hướng đa dạng các kênh tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội.

Công tác tuyên truyền cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm gương mẫu của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Đồng thời, tuyên truyền để người dân thấy rõ sự quyết liệt trong xử phạt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn của lực lượng chức năng, nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn trong việc tuân thủ pháp luật về giao thông, trong đó có quy định không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Qua đó góp phần ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Thư Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202407/dong-tinh-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-6c95700/