Đột phá về năng lực dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, chiều 24/7.

Thủ tướng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: CP

Thủ tướng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: CP

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm Cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.

Phải thay đổi căn bản về tư duy phòng chống thiên tai

Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua; phân tích các bài học kinh nghiệm; xác định nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và cả giai đoạn tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh, đối mặt với những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an đã luôn sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ người dân, đồng thời phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" được phát huy, qua đó giảm tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân.

Trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ to lớn, kịp thời của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng cho biết các quốc gia, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ đã hỗ trợ Việt Nam trên 25 triệu USD cùng với 222 tấn hàng cứu trợ, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã huy động nguồn lực xã hội hóa lên tới gần 3 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, công tác phòng thủ dân sự, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn vẫn được duy trì liên tục, cơ bản thông suốt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhiều đồng chí đã ngày đêm không quản ngại gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ an toàn cho nhân dân.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 là hết sức phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 sắp tới và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi căn bản về tư duy: Dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm "bốn tại chỗ".

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: CP

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: CP

Khẩn trương hoàn thiện bộ máy từ Trung ương tới cơ sở về phòng thủ dân sự quốc gia

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện bộ máy từ Trung ương tới cơ sở về phòng thủ dân sự quốc gia, trong đó Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan liên quan.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chủ động tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, địa bàn được giao, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quản lý của Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương, Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo phải thường xuyên, liên tục, bao trùm, toàn diện, thực hiện nghiêm các quy định, không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát với phương châm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, bảo đảm phân công "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền; thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ".

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực phòng thủ dân sự các cấp, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác dự báo; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về phòng thủ dân sự; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai Hệ thống Tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn; tổ chức xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách, kiêm nhiệm tinh, gọn, mạnh; đổi mới công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập sát yêu cầu nhiệm vụ và vùng miền.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ứng phó thảm họa cháy lớn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang và đơn vị liên quan tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng, ứng phó sự cố, thảm họa theo quy định; chủ trì nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng sự cố, thảm họa để kích động chống phá; tuyên truyền, trao đổi thông tin để các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nhận thức, phòng tránh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả thảm họa thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; cứu trợ đột xuất các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố, thiên tai, thảm họa; thực hiện tuyên truyền về phòng thủ dân sự theo lĩnh vực quản lý.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng được giao chủ trì công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; truyền phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đến tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động phòng thủ dân sự; thực hiện nhiệm vụ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông; ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; hướng dẫn hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; xây dựng và công bố sách trắng về phòng, chống thiên tai hằng năm; chỉ đạo, tổ chức xây dựng tài liệu, hướng dẫn, tập huấn, phổ biến, thông tin truyền thông qua nền tảng mạng xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu rõ yêu cầu với các bộ, ngành, cơ quan: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; các các cơ quan thông tấn, báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các địa phương./.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dot-pha-ve-nang-luc-du-bao-ung-pho-va-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-41889.html