Dự án giao thông qua nhiều địa phương: Cách nào xác định cơ quan chủ quản?

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 8h00 sáng 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ tán thành với chủ trương xây dựng Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Về bản chất là cho phép được làm khác với luật trong thời hạn nhất định đối với các dự án, công trình đường bộ đã được chỉ định tên tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Với tính chất như vậy, đại biểu cho rằng hình thức Nghị quyết là phù hợp do nội dung chỉ áp dụng cho những công trình giao thông đường bộ đã được chỉ định. Đồng thời bày tỏ nhất trí về hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm này, quá trình xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được thực hiện kỹ lưỡng, đầy đủ...

Về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Điều 6 dự thảo Nghị quyết được thiết kế theo logic các địa phương trao đổi sau đó Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, khoản 2 Điều 6 có đưa ra ba nguyên tắc để xác định cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp dự án giao thông đường bộ đi qua từ hai địa phương trở lên.

Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn; khối lượng công việc nhiều hơn và theo thỏa thuận giữa các địa phương. Đại biểu đề nghị thiết kế lại quy định tại Điều 6 theo hướng đối với dự án giao thông đường bộ qua nhiều tỉnh, nguyên tắc ưu tiên là nguyên tắc thỏa thuận giữa các địa phương, sau đó mới đến nguyên tắc tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn và khối lượng công việc nhiều hơn.

Theo đại biểu, phải ưu tiên nguyên tắc thỏa thuận bởi giữa các địa phương, lợi ích của địa phương sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh đó ưu tiên trước. Khi nguyên tắc thỏa thuận được áp dụng nhưng không thành công thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương sẽ báo cáo Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu, cân nhắc và lựa chọn giữ nguyên tắc tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn và khối lượng công việc nhiều hơn để giao cho Ủy ban nhân dân một địa phương làm cơ quan chủ quản áp dụng theo quy định tại khoản 1.

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/du-an-giao-thong-qua-nhieu-dia-phuong-cach-nao-xac-dinh-co-quan-chu-quan-197541.htm