Dự báo giả định rùng rợn của NASA nếu một thiên thạch rơi xuống Trái Đất
NASA và các nhà khoa học thế giới đã mô phỏng kịch bản Trái đất bị thiên thạch lớn va chạm – một viễn cảnh không chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng.
Vụ nổ kinh hoàng, bão lửa, sóng thần cao hàng trăm mét, bóng đêm kéo dài và ô nhiễm phóng xạ có thể xóa sổ nền văn minh chỉ trong khoảnh khắc.
Những dự báo này dựa trên các tính toán khoa học nghiêm ngặt, nhắc nhở nhân loại luôn phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất.
Hãy tưởng tượng một buổi sáng sớm, như mọi ngày, nhưng thế giới xung quanh ta “bị lật ngược” hoàn toàn. Thay vì ban ngày là bóng đêm, thay vì mùa hè là mùa đông.
Điều này nghe có vẻ phi thực tế, nhưng hành tinh của chúng ta đã từng trải qua tình huống tương tự 66 triệu năm trước, vào cuối kỷ Phấn Trắng, khi một thiên thạch rơi xuống Trái đất.

Kịch bản dự báo giả định về thảm họa nếu một thiên thạch rơi xuống Trái Đất gây ra hậu quả khủng khiếp
Và không có gì đảm bảo rằng tình huống này sẽ không lặp lại. Đó là lý do tại sao NASA cùng các nhà khoa học trên thế giới từ lâu đã mô phỏng hậu quả của việc một thiên thạch lớn rơi xuống Trái đất, và kết quả của họ không phải là viễn tưởng, mà là những kịch bản dựa trên các tính toán nghiêm ngặt.
Vụ nổ tức thì và sóng xung kích
Hãy tưởng tượng một thiên thạch có đường kính vài kilomet lại rơi xuống Trái đất. Vào thời điểm va chạm, sức mạnh vụ nổ sẽ tương đương với hàng chục hoặc hàng trăm megaton TNT, tương đương hàng trăm quả bom hạt nhân.
Tại tâm chấn vụ nổ, mọi sự sống sẽ bị hủy diệt ngay lập tức – tất cả bị biến thành plasma, và trong bán kính hàng chục kilomet xung quanh sẽ xảy ra sự phá hủy hoàn toàn, ngay cả những tòa nhà kiên cố nhất cũng sẽ bị san phẳng.
Sóng xung kích lan truyền với tốc độ bằng hoặc vượt quá tốc độ âm thanh, gây tàn phá trên phạm vi hàng trăm kilomet. Tất cả cửa kính bị vỡ, cửa ra vào bị thổi bay, các trụ cầu bị gãy. Bụi, mảnh vỡ và hỗn hợp khí bốc lên thành từng đám lớn, biến ban ngày thành ngày của mưa đen và bão bùn.
Bão lửa và bức xạ nhiệt
Sau vụ nổ sẽ là bức xạ nhiệt dữ dội. Mọi thứ xung quanh bừng sáng chói lòa, rừng bốc cháy, ô tô tan chảy, nhà cửa bốc hỏa và lửa lan nhanh. Đây không chỉ là một đám cháy cục bộ, mà là một cơn bão lửa khổng lồ, giống như một cơn bão mùa hè nhưng là từ lửa và khói.
Một vòm bụi khổng lồ bốc lên khí quyển, và các dòng nhiệt hút hàng triệu tấn vật chất cháy vào không trung. Hít thở gần như trở nên không thể, không khí chứa đầy khí độc và các hạt nóng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hậu quả phần lớn phụ thuộc vào đường kính thiên thạch. Nếu thiên thạch có đường kính 1 km, hậu quả sẽ ở mức độ lục địa. Nếu đường kính khoảng 10 km, hậu quả sẽ mang tính toàn cầu.
Sóng thần và sóng toàn cầu
Nếu thiên thạch rơi xuống đại dương, vụ nổ mạnh sẽ tạo ra sóng thần khổng lồ. Những con sóng cao hàng trăm mét sẽ rời điểm va chạm và mang theo mối đe dọa chết người tới đất liền trong phạm vi hàng trăm kilomet dọc theo bờ biển.

Sự rơi của thiên thạch có thể gây ra sóng thần khổng lồ. Hình minh họa
Các vùng nội địa cũng không an toàn, động đất và các vụ phun trào thứ cấp sẽ tạo ra một loạt sóng và vết nứt mới. Các trận động đất mạnh có thể kéo dài hàng tháng.
Sóng thần di chuyển với tốc độ của máy bay phản lực, các hệ thống cảnh báo sẽ không kịp hoạt động. Cốt lõi của những con sóng này là sức công phá từ vụ va chạm, gây hủy diệt trên toàn bộ vùng đại dương và ven biển.
Bức xạ, ô nhiễm hóa chất và mối đe dọa đối với con người
Ngay cả khi va chạm xảy ra trên đất liền, các đồng vị phóng xạ và kim loại nặng từ lòng đất sẽ bị giải phóng tạo ra khu vực ô nhiễm phóng xạ. Không khí trở nên độc hại, nước bị nhiễm độc, đất đai không thể sinh sống được.
Những người sống sót gần tâm chấn có thể phải đối mặt với nhiễm độc cấp tính, bệnh phóng xạ và đột biến gene trong những năm tiếp theo. Hệ thống y tế sẽ quá tải, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các hệ thống thiết yếu luôn trong tình trạng bị đe dọa.
Đó là lý do tại sao hiện nay các nhà khoa học đang tích cực phát triển các hệ thống phát hiện sớm mối nguy hiểm từ vũ trụ và biện pháp ngăn chặn.
Sứ mệnh DART (sứ mệnh thử nghiệm phòng thủ hành tinh đầu tiên của NASA, nhằm kiểm tra khả năng thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh bằng cách đâm trực tiếp tàu vũ trụ vào nó) được khởi động chính vì mục đích này.
Theo các nhà khoa học, “ngày sau khi thiên thạch rơi” không phải là tưởng tượng giả định, mà là một kịch bản dựa trên các mô hình khoa học nghiêm túc và lịch sử của hành tinh.
Sức mạnh của tự nhiên có thể thay thế thế giới quen thuộc của chúng ta chỉ trong nháy mắt. Vì vậy, các nhà khoa học cảnh báo, thế giới phải luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất để ngăn chặn thảm họa toàn cầu.