Dự báo Nhật Bản trải qua mùa Hè nắng nóng kỷ lục

Sau khi đưa ra cảnh báo sốc nhiệt lần đầu tiên trong năm nay, Cơ quan Khí tượng quốc gia Nhật Bản (JMA) ngày 5/7 dự báo nền nhiệt từ tháng 7-9 tại quốc gia Đông Bắc Á này sẽ tiếp tục cao hơn trung bình hằng năm, thậm chí có thể vượt qua mùa Hè nóng kỷ lục năm ngoái.

Người dân che ô tránh nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân che ô tránh nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, mức nhiệt ghi nhận ở trung tâm thủ đô Tokyo ngày 4/7 là 35 độ C, ở Nagoya là 35,1 độ C, tuy nhiên đến 17h, đã có 64 địa điểm trên khắp Nhật Bản ghi nhận nền nhiệt cao, trong đó tại thành phố Shizuoka là 39,3 độ C, cao hơn dự báo trước đó là 38,9 độ C. Chỉ số nhiệt độ (WBGT - dùng để làm căn cứ đưa ra cảnh báo sốc nhiệt) vào ngày 4/7 lên tới 33, cao hơn nhiều so với chỉ số 28 cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng. Điều này báo hiệu một mùa Hè nắng nóng gay gắt, có thể sẽ phá vỡ kỷ lục mùa Hè nóng nhất trong 126 năm qua, được ghi nhận vào năm 2023.

Theo số liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản, năm 2023, cả nước đã ghi nhận 1.308 trường hợp tử vong vì sốc nhiệt, cao gấp 5 lần so với thời điểm 20 năm trước, trong đó đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người cao tuổi và trẻ em. Chỉ tính riêng trong 3 tháng cao điểm từ tháng 7-9/2023 đã có hơn 80.000 trường hợp phải nhập viện vì nghi say nắng, 55% trong số đó là người trên 65 tuổi. Đáng chú ý, có hơn 40% trường hợp sốc nhiệt ngay cả khi không ở ngoài trời.

Bên cạnh chịu ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nắng nóng gay gắt ngay đầu Hè là sự tồn tại của “hệ thống áp cao kép” với dòng xoáy nghịch Thái Bình Dương và dòng xoáy thuận Tây Tạng hoạt động mạnh hơn bình thường và chồng lấn lên quần đảo Nhật Bản. Hoạt động đối lưu ở các vùng biển xung quanh Philippines được dự báo gia tăng và phần nhô ra của hệ thống áp cao vào Thái Bình Dương sẽ mạnh hơn bình thường cho đến hết tháng 9. Bên cạnh đó, gió Tây nóng có chiều hướng sẽ di chuyển lên phía Bắc và mang theo khí nóng bao trùm khắp Nhật Bản.

Một yếu tố khác là nhiệt độ mặt nước ở các vùng biển xung quanh Nhật Bản có thể sẽ duy trì ở mức cao, khiến các tầng khí quyển phía dưới khó hạ nhiệt. JMA cho biết nhiệt độ mặt nước ở các vùng biển gần Nhật Bản đã tăng 1,28 độ C trong khoảng 100 năm gần đây, cao hơn tốc độ tăng nhiệt bề mặt nước biển trung bình trên toàn cầu. Nhiệt độ mặt nước biển cao sẽ đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước, tạo điều kiện hình thành mây và các đợt mưa lớn cục bộ có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong mùa Hè năm nay. JMA cho biết ngoài các biện pháp chống nắng, người dân cũng cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như mưa lớn, lốc xoáy, lũ lụt và sạt lở đất, nhất là tại các vùng núi.

Phạm Tuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/du-bao-nhat-ban-trai-qua-mua-he-nang-nong-ky-luc-20240705082523204.htm