Du lịch cộng đồng và sinh kế bền vững

Kỳ 2: Cơ hội và phát triển bền vững

Du lịch cộng đồng hình thành và phát triển đúng hướng không chỉ góp phần phát triển kinh tế của người dân địa phương, mà còn bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên cũng như văn hóa bản địa từng vùng miền.

Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL Đỗ Hoàng Dương cho biết: “Du lịch cộng đồng sẽ là lợi thế với người dân địa phương để có thể phát triển kinh tế tại chỗ. “Ly nông nhưng không ly hương” - người dân rời khỏi nông nghiệp chuyển sang làm dịch vụ mà không phải rời bỏ quê hương.

Nhiều du khách tìm tới du lịch homestay tại tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo để check-in

Nhiều du khách tìm tới du lịch homestay tại tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo để check-in

Tận dụng những sản phẩm sẵn có tại chỗ để có thể phát triển du lịch, đem lại nguồn thu lớn cho gia đình. Không những vậy, du lịch cộng đồng còn góp phần tạo môi trường nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao; nếu mỗi làng quê hình thành một điểm du lịch cộng đồng sẽ tạo cảnh quan mới, thu hút người dân và du khách mọi nơi tới tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm”.

Du lịch cộng đồng Vĩnh Phúc mới phát triển từ năm 2018 trở lại đây; cùng với sự định hướng, tuyên truyền của Sở VH-TT&DL, nhiều người dân ở một số địa bàn trong tỉnh đã bỏ tiền đầu tư theo xu hướng này.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển KT-XH khiến loại hình du lịch cộng đồng cũng bị chững lại. Hiện nay, với đà phục hồi sau dịch bệnh, đã có nhiều hộ dân tiếp tục theo hướng mô hình này. Đặc biệt, tại thị trấn Tam Đảo, nhiều mô hình điển hình đang phát triển khá tốt, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Gia đình anh Đặng Đình Hưng, tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo đã thành công với mô hình du lịch cộng đồng. Anh Hưng chia sẻ: “Trước đây, người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng do thời tiết thất thường nên thu nhập không ổn định. Gia đình tôi cũng đã từng trồng rau su su, trồng nấm nhưng cũng thất bại.

Tôi đã đi tham quan du lịch ở một số nơi và nhận thấy mô hình homestay khá hay nên năm 2018, gia đình tôi bắt đầu xây dựng một căn homestay để kinh doanh. Ban đầu, tôi cũng gặp một số khó khăn do nguồn vốn ít, phải vay mượn thêm ngân hàng; là gia đình đầu tiên tiên phong ở Tam Đảo xây dựng mô hình mới này nên có nhiều bỡ ngỡ; đường xá đi lại vào khu chưa có, khuôn viên chưa được đầu tư nhiều…

Tuy nhiên, sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm của những mô hình đi trước, cải tạo lại không gian của homestay cho phù hợp... đến nay, mô hình này của gia đình tôi đã hoạt động khá hiệu quả. Hiện nhiều gia đình xung quanh cũng đã theo mô hình nhà tôi mà xây dựng giống như vậy.

Nhận thức cần khắc phục điểm yếu của vùng, gia đình tôi và các hộ xung quanh cùng nhau góp công sức, tiền của để làm con đường chạy vào khu; đồng thời trồng nhiều hoa, làm khuôn viên cây xanh để tạo môi trường sinh thái thân thiện. Cùng với văn hóa ứng xử thân thiện, bình dị nên dù xa trung tâm thị trấn nhưng du khách vẫn tới tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng nhiều”.

Dám thay đổi tư duy, chịu khó học hỏi và dành nguồn kinh phí đầu tư, gia đình anh Đặng Đình Hưng đã thành công với mô hình homestay. Toàn bộ khu homestay Bách Xanh của gia đình anh rộng 1.200 m2, gồm 11 căn lớn, nhỏ, bungalow dành cho các nhóm khách ở từ 2 đến 12 người; có 2 bể bơi lớn, sân vườn, khu dạo chơi, nấu nướng, vui chơi ngoài trời.

Giá dịch vụ dao động từ 500 - 600 nghìn đồng/ngày/đêm tới 2-6 triệu đồng/ngày/đêm tùy theo nhu cầu của khách. Với cách làm sáng tạo, tự tìm tòi quảng bá trên nhiều trang mạng, homestay của gia đình anh Hưng ngày càng thu hút đông du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, cho doanh thu 40-50 triệu đồng/tháng.

Anh Hưng chia sẻ thêm: "Để thành công trong phát triển du lịch theo hướng homestay, kinh nghiệm là đầu tư phù hợp với cảnh quan, phong tục, văn hóa bản địa. Gia đình tôi khi tham quan du lịch ở một số thôn, bản tại Sapa (Lào Cai) để học tập nhưng không thể “bê” nguyên mô hình đó. Nếu cố tình áp dụng sẽ thất bại vì ở đây, gắn với thiên nhiên sinh thái Tam Đảo và cuộc sống người dân vùng du lịch, chỉ có thể phát triển theo hướng homestay phong cách hiện đại, tiện nghi. Tôi cũng dành thời gian học hỏi một số tỉnh có mô hình homestay về cách phát triển mạnh loại hình này".

Du lịch cộng đồng tại thị trấn Tam Đảo phát triển nhanh và hiệu quả. (Ảnh chụp tại khu Homestay Bách Xanh của gia đình anh Đặng Đình Hưng, tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo)

Du lịch cộng đồng tại thị trấn Tam Đảo phát triển nhanh và hiệu quả. (Ảnh chụp tại khu Homestay Bách Xanh của gia đình anh Đặng Đình Hưng, tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo)

Tự bỏ tiền, sáng tạo, không trông chờ và ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước về du lịch, gia đình anh Hưng cũng như nhiều gia đình khác tại tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo đã thành công với mô hình du lịch cộng đồng mang sắc thái homestay, đúng với xu hướng thời cuộc.

Để thúc đẩy loại hình du lịch cộng đồng phát triển và bền vững, Sở VH-TT&DL cũng tham mưu, xây dựng, đề xuất tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ chương trình du lịch cộng đồng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, khoa học và thiết thực; xây dựng chính sách phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, loại hình du lịch này cần sự nhận thức đầy đủ của người dân, chủ động đa dạng hóa các dịch vụ đi kèm; mở rộng liên kết với các địa phương khác để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có.

Với tốc độ phát triển như hiện nay thì 2 - 3 năm nữa mô hình du lịch cộng đồng tại Vĩnh Phúc sẽ lan tỏa mạnh không chỉ ở Tam Đảo mà còn ở những vùng có tiềm năng như Đại Lải, Ngọc Thanh, Đạo Trù, Lãng Công, Quang Yên...

Điều quan trọng hơn, người dân phải nhận thức, xác định chính mình là chủ thể để phát triển mô hình và thấy được hiệu quả thì mới có thể bắt tay vào làm, Nhà nước và các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sẽ cùng vào cuộc có các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển, từ đó mới có thể phát triển nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77164/du-lich-cong-dong-va-sinh-ke-ben-vung.html