Du lịch Đà Nẵng lấy khách nội địa nuôi hy vọng chờ mở cửa quốc tếDu lịch Đà Nẵng lấy khách nội địa nuôi hy vọng chờ mở cửa quốc tế

Du lịch Đà Nẵng trong tháng 6 tăng trưởng 50% so với tháng 5 và dự báo sẽ tăng cao hơn nữa trong tháng 7 cao điểm. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng phải tính kế lâu dài cho những tháng tiếp theo khi du lịch nội địa tạm lắng và chưa thể mở cửa bầu trời quốc tế.

 Một đoàn khách Việt từ Hà Nội tham gia tour miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, đầu tháng 6-2020. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang xoay sang phục vụ khách nội địa để chờ mở cửa lại thị trường quốc tế. Ảnh: Nhân Tâm

Một đoàn khách Việt từ Hà Nội tham gia tour miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, đầu tháng 6-2020. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang xoay sang phục vụ khách nội địa để chờ mở cửa lại thị trường quốc tế. Ảnh: Nhân Tâm

Tạm vui với mảng nội địa

Dưới góc nhìn là Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, ông Đoàn Hải Đăng, cho biết hiện nay phần lớn các doanh nghiệp lữ hành đã hoạt động trở lại, nhưng cũng chỉ ở mức cầm cự, với công suất chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái vì chỉ làm du lịch nội địa.

Lấy dẫn chứng từ công ty mình đang làm việc, ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Vietravel - Chi nhánh Đà Nẵng, chia sẻ công ty bắt đầu hoạt động lại bình thường từ 20-5, nhưng cũng chỉ chủ yếu vận hành mảng nội địa.

“Tháng 7 và tháng 8 tới là giai đoạn vàng trong năm nay của chúng tôi cũng như ngành du lịch Đà Nẵng để thu hút khách nội địa. Qua đến tháng 9, khi mọi thứ trở lại bình thường thì các công ty phải chờ tín hiệu từ du lịch quốc tế”, ông Đăng nói và cho biết thêm các công ty du lịch tại Đà Nẵng có thế mạnh về Inbound (Khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam) và Outbound (Khách du lịch Việt Nam đi quốc tế). Vì vậy, khi nào bầu trời quốc tế mở cửa thì mới mong các công ty du lịch Đà Nẵng cũng như trên cả nước phục hồi như trước.

Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc của Omega Tours – công ty chuyên thị trường Hàn Quốc và một số thị trường quốc tế khác, cho biết từ tháng 2 đến nay, công ty ông gần như hoàn toàn tạm ngưng hoạt động vì thị trường khách du lịch quốc tế chưa quay trở lại.

Tuy nhiên, vì có kinh doanh thêm mảng xe du lịch, nên công ty ông cũng có được gần 20 tour thuê xe từ đầu tháng 6 đến nay. “Sắp tới, vào tháng 7 và 8, nhu cầu thuê xe có thể tăng hơn nhờ kích cầu nội địa. Nhưng Doanh thu lại không nhiều vì giá tour giảm 50% so với bình thường. Và qua đến tháng 9 khi khách nội địa giảm thì xe lại “trùm mềm”, ông Anh nói và chia sẻ thêm trong khi chờ du lịch quốc tế trở lại, ông vẫn phải kiếm cách xoay sở để trả nợ ngân hàng khi các ngân hàng chỉ cơ cấu nợ và lãi trong một khoảng thời gian nhất định.

Nuôi hy vọng cho kế hoạch dài hạn

Theo quan sát và ghi nhận của TBKTSG Online tại thị trường du lịch Đà Nẵng, không chỉ mảng lữ hành mà mảng lưu trú cũng đang hoạt động cầm cự để đảm bảo thu nhập cho nhân viên và chờ đợi các động thái mở cửa với thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, chia sẻ trong 2 tháng gần đây, Furama mở cửa một phần hoạt động nhằm dần dần tạo công ăn việc làm cho nhân viên của mình.

Trong tháng 6, công suất phòng hằng ngày của khu nghỉ dưỡng (resort) này dao động từ 10% đến 40% và hầu hết là khách nội địa, ông Quỳnh nói và chia sẻ thêm trong tháng 7 này, dự kiến có 1-2 ngày là công suất đạt 100%, còn lại vẫn ở mức thấp. Một điểm sáng mà ông Quỳnh có nhắc đến là trong tháng 7, Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana (Cùng với Furama Resort Đà Nẵng được quản lý bởi Công ty cổ phần Khu Du Lịch Bắc Mỹ An) có 4-5 sự kiện, thu hút 500-1000 người tham gia mỗi cuộc.

 Khách quốc tế tàu biển đến Đà Nẵng đầu năm nay khi dịch Covid-19 chưa xảy ra. Ảnh: Nhân Tâm

Khách quốc tế tàu biển đến Đà Nẵng đầu năm nay khi dịch Covid-19 chưa xảy ra. Ảnh: Nhân Tâm

Theo ông Quỳnh, người đang giữ vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đây là một kết quả tốt không chỉ cho Ariyana mà còn cho các công ty du lịch và các công ty cung cấp dịch vụ liên quan cho những sự kiện này.
“Với tình hình này thì chúng tôi chỉ đủ trả tiền lương cho nhân viên và một số hoạt động cơ bản khác. Tuy nhiên đây cũng là một nguồn năng lượng tốt trong bối cảnh hiện nay”, ông Quỳnh nói và chia sẻ thêm sự khởi sắc này sẽ kéo dài đến tháng 8. Qua đến tháng 9, 10 – mùa thấp điểm, việc kinh doanh sẽ đi xuống khi khách du lịch nội địa thưa bớt dần trong khi khách quốc tế được dự báo vẫn chưa thể đến.

Ông Quỳnh chia sẻ thêm các doanh nghiệp du lịch hiện nay thay đổi kế hoạch kinh doanh cũng như thông điệp đưa ra cho khách hàng. Cụ thể, việc dự báo và lên kế hoạch kinh doanh được thực hiện theo từng tháng, tùy tình hình thực tế. Trong khi đó, thông điệp đưa ra trong thời gian này là an toàn và sạch sẽ đặt lên hàng đầu.

Trước đó, TBKTSG Online đã đưa tin, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phương án mở lại các đường bay quốc tế theo hướng di chuyển nội khối hoặc tạo hành lang du lịch/du lịch cầu hàng không (Travel Corridor/Travel Bubble) để tái khởi động lại các hoạt động đi lại quốc tế trong khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều quốc gia.

Theo đó, có thể “hành lang” này chỉ gồm 2 quốc gia hoặc hơn 2 quốc gia cùng thống nhất quy trình di chuyển. Như hiện nay, các quốc gia EU được phép di chuyển trong nội khối. Trung Quốc, Hy Lạp cũng đang cân nhắc vùng di chuyển hợp lý cho các quốc gia, vùng lãnh thổ liên quan.

Việc Cục hàng không kiến nghị cách thức này để dần khôi phục từ từ các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, từ cuối tháng 7 tới. Các chuyến bay sẽ đón cả khách du lịch, nếu đủ điều kiện được phép nhập cảnh theo quy định.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tại Đà Nẵng tháng 6-2020 ước đạt 1.282 tỉ đồng, tăng 12,3% so với tháng trước; tuy nhiên chỉ bằng 78,6% so với cùng kỳ năm 2019, theo Cục Thống kê Đà Nẵng. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 250 tỉ đồng, tăng 51,9% so với tháng trước và bằng 47,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/305484/du-lich-da-nang-lay-khach-noi-dia-nuoi-hy-vong-cho-mo-cua-quoc-te.html