Du lịch Hạ Long lại một lần chống bão

Từng thiệt hại sau bão Yagi, năm nay các điểm du lịch Hạ Long như bảo tàng, cảng biển, khu vui chơi chủ động hơn trong phòng chống bão số 3.

 Bảo tàng Quảng Ninh bị vỡ nhiều ô kính, sập trần thạch cao do gió lốc tràn vào do ảnh hưởng từ bão Yagi năm 2024. Ảnh: Việt Linh.

Bảo tàng Quảng Ninh bị vỡ nhiều ô kính, sập trần thạch cao do gió lốc tràn vào do ảnh hưởng từ bão Yagi năm 2024. Ảnh: Việt Linh.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (tên quốc tế Wipha), các điểm du lịch trọng điểm tại Quảng Ninh kích hoạt chế độ ứng phó khẩn cấp. Với bài học từ trận bão Yagi vào tháng 9/2024, công tác chằng chống, neo đậu, đảm bảo an toàn tài sản và du khách được các đơn vị triển khai từ rất sớm.

Trao đổi với Tri Thức - Znews sáng 21/7, đại diện Bảo tàng Quảng Ninh cho biết ngay khi bão Wipha có dấu hiệu áp sát, đơn vị đã khẩn trương triển khai các biện pháp chằng chống, bảo vệ cơ sở vật chất, rút kinh nghiệm sâu sắc từ thiệt hại trong cơn bão Yagi năm 2024.

“Chúng tôi đã triển khai gia cố toàn bộ hệ thống cửa kính, khung thép mái hiên, đồng thời di chuyển các thiết bị trưng bày, hệ thống chiếu sáng và thiết bị điện tử vào nơi an toàn. Đội kỹ thuật túc trực để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh”, đại diện bảo tàng cho biết.

Theo lịch điều chỉnh, ngày 21/7, bảo tàng vẫn mở cửa đón khách bình thường, nhưng sẽ tạm dừng hoạt động từ ngày 22/7 để đảm bảo an toàn tối đa cho cả khách tham quan và nhân sự. Các thông báo cập nhật liên tục được công bố trên các kênh chính thức để du khách nắm bắt kịp thời.

 Nhiều tàu, thuyền neo đậu tại Cảng Tuần Châu thiệt hại nặng nề sau bão Yagi, năm 2024. Ảnh: Việt Linh.

Nhiều tàu, thuyền neo đậu tại Cảng Tuần Châu thiệt hại nặng nề sau bão Yagi, năm 2024. Ảnh: Việt Linh.

Tương tự, từ chiều 20/7, hai cảng du lịch lớn của Hạ LongCảng quốc tế Hạ Long Cảng Tuần Châu đã phát đi thông báo tạm ngừng toàn bộ hoạt động đón – trả khách cho đến khi có chỉ đạo mới từ chính quyền.

Tại Cảng quốc tế Hạ Long, các tàu đã được di chuyển đến khu neo đậu an toàn theo quy định. Các thiết bị tại bến được tháo dỡ, chằng néo kỹ lưỡng. Đại diện cảng cho biết, toàn bộ nhân sự được huy động, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảng vụ, biên phòng và cứu hộ để xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp trong bão.

Trong khi đó, Cảng Tuần Châu, nơi từng chịu thiệt hại cực lớn sau bão Yagi với hơn 20 tàu chìm, pontoon bị trôi, mái che và phòng chờ hư hại, năm nay khẩn trương triển khai chằng néo tàu theo nhiều lớp, bố trí vị trí neo đậu theo từng nhóm tàu, chuẩn bị phương án trục vớt nếu có sự cố xảy ra.

 Cảnh tan hoang đổ nát tại Hạ Long sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào tháng 9/2024. Ảnh: Việt Linh.

Cảnh tan hoang đổ nát tại Hạ Long sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào tháng 9/2024. Ảnh: Việt Linh.

Các khu vui chơi giải trí trên địa bàn cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng chống bão, đồng loạt tạm dừng hoạt động và siết chặt công tác đảm bảo an toàn cho du khách, thiết bị và hạ tầng.

Trưa 21/7, thông tin với Tri Thức - Znews, đại diện Sun World Ha Long - tổ hợp công viên giải trí quy mô lớn nằm bên bờ vịnh, cho hay công tác phòng chống bão số 3 (Whipha) đã được triển khai khẩn trương từ trước ngày 21/7.

Đến 10h sáng 21/7, quá trình chuẩn bị phòng chống bão tại khu vực này đã cơ bản hoàn tất. Toàn bộ hệ thống kỹ thuật, hạ tầng và khu trò chơi được rà soát, gia cố nhằm đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.

Các khu vực vui chơi ngoài trời như công viên nước Typhoon Water Park, Dragon Park, cáp treo Nữ Hoàng, vòng quay Mặt Trời… đã tạm ngừng vận hành. Khu công viên cũng thông báo dừng đón khách trong hai ngày 21 và 22/7 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và nhân viên.

Về kỹ thuật, hệ thống máy bơm chống ngập, máy phát điện dự phòng được kiểm tra và đưa vào trạng thái sẵn sàng. Các tài sản có thể di dời như phao nổi, bàn ghế, biển quảng cáo được thu gom, chuyển vào khu vực an toàn. Cửa kính được gia cố bằng bao cát để phòng trường hợp gió giật mạnh. Đồng thời, lực lượng an ninh và kỹ thuật được tăng cường gấp đôi so với thường ngày, túc trực liên tục để xử lý các tình huống khẩn cấp nếu xảy ra trong bão.

Trong khi đó, Tuần Châu Park cũng điều chỉnh lịch hoạt động từ chiều 20/7: tạm dừng toàn bộ khu trò chơi ngoài trời như Tuần Châu Farm, Farm Hill, khu F&B; chỉ giữ lại show diễn Hải cẩu trong nhà. Đại diện công viên cho biết lịch trình có thể tiếp tục thay đổi tùy theo mức độ ảnh hưởng của bão và sẽ được cập nhật thường xuyên trên fanpage chính thức.

Lúc 6h sáng 21/7, tâm bão số 3 Wipha cách Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 233 km, duy trì sức gió cấp 9, giật cấp 12. Dù đã suy yếu khi đi qua đất liền Trung Quốc, bão được dự báo có khả năng mạnh trở lại khi vào vịnh Bắc Bộ, với sức gió có thể đạt cấp 10–11, giật cấp 14 trong 24 giờ tới. Vùng biển Bắc và Nam vịnh Bắc Bộ sẽ có gió giật mạnh, biển động dữ dội, sóng cao tới 6 m; mực nước dâng cao tại ven biển Hải Phòng – Quảng Ninh tiềm ẩn nguy cơ ngập úng nghiêm trọng vào chiều 22/7.

Từ tối 21/7, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Trên đất liền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mưa lớn kéo dài đến ngày 23/7 với lượng phổ biến 200–350 mm, có nơi trên 600 mm.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/du-lich-ha-long-lai-mot-lan-chong-bao-post1570349.html