Du lịch Việt Nam định vị vai trò trong kỷ nguyên hội nhập
Kỷ niệm 65 năm thành lập, ngành Du lịch Việt Nam khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn, sẵn sàng bứt phá trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững.

Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam. (Nguồn: Wikipedia)
Từ nhiệm vụ chính trị đến ngành kinh tế mũi nhọn
Cột mốc ngày 9/7/1960 đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành Nghị định số 26-CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, nhiệm vụ của ngành Du lịch khi ấy chủ yếu là phục vụ công vụ, đón tiếp các đoàn khách quốc tế, các chuyên gia và góp phần vào hoạt động ngoại giao nhân dân.
Tuy chưa được nhìn nhận như một ngành kinh tế, song chính giai đoạn này đã đặt nền móng cho hệ thống quản lý và tích lũy kinh nghiệm phục vụ khách quốc tế – những viên gạch đầu tiên cho một hành trình phát triển dài hạn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì phiên họp lần thứ ba Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, tháng 4/2000. (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)
Sau Đổi mới 1986, du lịch bắt đầu được nhìn nhận trong vai trò mới: một ngành kinh tế dịch vụ có khả năng thu ngoại tệ, tạo việc làm và đóng góp vào tăng trưởng. Sự ra đời của Tổng cục Du lịch (1987), tiếp đó là hàng loạt chỉ đạo chiến lược như Chỉ thị 46-CT/TW (1994), Thông báo 179-TB/TW (1998), Pháp lệnh Du lịch (1999) – tất cả cho thấy quyết tâm chuyển hướng du lịch từ “phục vụ” sang “phát triển”.
Đặc biệt, với Luật Du lịch 2005 và phiên bản sửa đổi năm 2017, hành lang pháp lý cho ngành không ngừng được hoàn thiện, mở đường cho các loại hình mới như du lịch cộng đồng, du lịch thông minh, homestay, condotel... Chính sách thị thực thông thoáng hơn, hệ thống xúc tiến quảng bá bài bản hơn, chiến lược marketing du lịch được xây dựng đồng bộ, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Những bước tiến ấn tượng
Thành quả từ những chính sách quyết liệt đã sớm được ghi nhận. Trong giai đoạn 2015–2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 22,7% – thuộc nhóm cao nhất thế giới. Du lịch đóng góp gần 10% GDP, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được khẳng định trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2023. (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú sốc chưa từng có, khiến ngành gần như “đóng băng” trong suốt hai năm. Trong hoàn cảnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động: từ miễn, giảm thuế, phí; cấp thẻ hướng dẫn viên; hỗ trợ điện – nước – tín dụng... đến đổi mới toàn diện hoạt động xúc tiến, chuyển mạnh sang nền tảng số.
Năm 2022, du lịch quốc tế bắt đầu trở lại với 3,7 triệu lượt khách; năm 2023 tăng vọt lên 12,6 triệu lượt và năm 2024 đạt 17,6 triệu lượt, tương đương 98% so với năm 2019, mức phục hồi cao nhất khu vực ASEAN. Sáu tháng đầu năm 2025, ngành tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng tích cực: 10,7 triệu lượt khách quốc tế (+20,7% so với cùng kỳ 2024), 77,5 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch ước đạt 518.000 tỷ đồng. Ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế - xã hội, là một trong những động lực phục hồi quan trọng.

Du khách đạp xe tại phố cổ Hội An, TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Diệu Linh)
Không dừng lại ở đó, năm 2023 – 2025 cũng chứng kiến hàng loạt quyết sách thúc đẩy du lịch trong dài hạn: Nghị quyết 82/NQ-CP, Chỉ thị 08/CT-TTg, Công điện 06/CĐ-TTg và Quy hoạch du lịch giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2045. Đặc biệt, chính sách áp dụng giá điện sản xuất cho cơ sở lưu trú đã tháo gỡ một trong những nút thắt lớn nhất của ngành, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung đầu tư nâng cấp dịch vụ.
Thời cơ bứt phá trong kỷ nguyên mới
Năm 2025 còn ghi dấu bước ngoặt lớn về hành chính: từ 63 tỉnh, thành, Việt Nam tiến hành sáp nhập còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây không chỉ là thay đổi về quản lý, mà còn là thời cơ “sắp xếp lại bản đồ du lịch Việt Nam” – từ định vị lại điểm đến đến xây dựng các tuyến, tour liên vùng hiệu quả hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc mở rộng địa giới hành chính giúp tích hợp tài nguyên du lịch (thiên nhiên, văn hóa, di tích...) một cách tổng thể hơn. Nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để định hình lại sản phẩm du lịch đặc trưng. Như Ninh Bình sau khi hợp nhất với Nam Định và Hà Nam, hiện có hơn 5.000 di tích, đồng thời sở hữu di sản kép Tràng An, đường bờ biển dài 70km cùng hệ sinh thái du lịch 4 mùa.

Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình. (Ảnh: Xuân Lâm)
Tuyên Quang – Hà Giang hợp nhất phát huy thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử. Tại Thủ đô Hà Nội, dù không thay đổi địa giới, nhưng các chiến lược liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng đang được đẩy mạnh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững...
Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gửi thư chúc mừng ngành Du lịch Việt Nam, khẳng định: “Trong chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Du lịch Việt Nam cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 72 lần, từ 250 nghìn lượt vào năm 1990 lên 18 triệu lượt vào năm 2019; du lịch đóng góp 9,2% vào GDP quốc gia”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: “Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng. Ngành Du lịch với vị thế đã được khẳng định cần tiếp tục kế thừa, phát huy bản lĩnh, tinh thần nỗ lực vượt khó; đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, cách làm; triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, tăng cường liên kết hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”.

Du khách trải nghiệm làm gốm ở làng gốm Thanh Hà, TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ngành Du lịch Việt Nam hiện đã có một nền tảng vững chắc: hệ thống chính sách hoàn chỉnh, lực lượng doanh nghiệp năng động, sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Điều này tạo ra tiền đề để ngành tiến bước vững vàng trong kỷ nguyên mới – nơi mà du lịch không chỉ là dịch vụ, mà là chất lượng sống, là bản sắc văn hóa và là cầu nối Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Bài học 65 năm qua cho thấy, chỉ có sự đổi mới không ngừng, sáng tạo linh hoạt và tầm nhìn chiến lược mới giúp ngành vươn xa. Trong hành trình phía trước, du lịch Việt Nam cần tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện – bền vững – nhân văn, trở thành điểm đến không chỉ của cảnh quan, ẩm thực, mà còn là nơi chạm đến cảm xúc, lan tỏa giá trị và khơi dậy khát vọng sống tích cực.