Dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai

Dự trữ lương thực, hàng hóa thiết yếu dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được ngành công thương Bình Thuận quan tâm triển khai. Qua đó hướng đến bảo đảm thống nhất trong quản lý, chỉ đạo và phối hợp thực hiện giữa các đơn vị cũng như huy động mọi lực lượng, vật tư, phương tiện nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất…

Dự trữ hàng hóa phòng

 Mì tôm các loại - một trong những mặt hàng thiết yếu được nhiều đơn vị tham gia dự trữ. (Ảnh minh họa).

Mì tôm các loại - một trong những mặt hàng thiết yếu được nhiều đơn vị tham gia dự trữ. (Ảnh minh họa).

Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, năm nay Sở Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp liên quan rà soát kế hoạch kinh doanh, tính toán xác định khả năng dự trữ và chuẩn bị một lượng hàng hóa thiết yếu nhất định. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, lụt bão và nếu cần thiết sẽ được tỉnh trưng mua bằng tiền ngân sách, sẵn sàng phục vụ kịp thời cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng mà tập trung vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, xăng, dầu… Riêng địa bàn Phú Quý được ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nhằm phục vụ cho huyện đảo về nhu cầu dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu… khi có thiên tai, thời tiết xấu xảy ra.

Tham gia dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, đối với mặt hàng xăng dầu có Công ty CP Vật tư xăng dầu và dầu khí Bình Thuận, Công ty Xăng dầu Bà Rịa - Vũng Tàu (Chi nhánh Bình Thuận) và Công ty CP Dương Đông - Hòa Phú. Trong khi đó, Công ty CP Vật liệu khoáng sản Bình Thuận, Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Quản Trung, Chi nhánh Công ty Hoa Sen thì dự trữ tôn, tấm lợp các loại, đinh vít, dây thép, xi măng…

Còn với mặt hàng gạo, mì tôm, sữa, đường, nước uống đóng chai và các mặt hàng thực phẩm sản xuất, đóng gói sử dụng ăn liền hoặc thực phẩm đông lạnh được nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn Bình Thuận tham gia dự trữ. Trong đó có Công ty CP Lương thực Nam Trung bộ, Công ty CP Thương mại Bình Thuận, Siêu thị Co.opmart Phan Thiết, Siêu thị Co.opmart La Gi, Siêu thị Co.opmart Phan Rí Cửa, Trung tâm Thương mại Lotte Phan Thiết… Ngoài ra, tham gia kế hoạch dự trữ hàng hóa năm nay còn có Công ty TNHH Hải Nam (mặt hàng thực phẩm, hải sản được sản xuất, đóng gói phục vụ cho việc sử dụng tại chỗ), Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo (nước uống đóng chai), Công ty CP Muối Vĩnh Hảo (muối ăn).

Hướng đến phục vụ tốt nhất khi có tình huống bão, lũ xảy ra sát với tình hình thực tế của các đơn vị, kế hoạch của ngành công thương yêu cầu đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”. Đó là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ, đồng thời tổ chức tốt công tác “tự quản tại chỗ” cho năm 2020… Theo đó việc vận chuyển hàng hóa sẽ phối hợp các địa phương điều động nhân lực cùng phương tiện của ngành lẫn phương tiện, nhân lực của doanh nghiệp để kịp thời ứng phó vận chuyển đến địa bàn xảy ra lụt, bão. Trường hợp địa bàn bị chia cắt, cô lập thì ngoài việc tích cực phối hợp với địa phương và doanh nghiệp, cần thiết sẽ đề xuất UBND tỉnh đề nghị các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ phương tiện chuyên dụng (như trực thăng, tàu thuyền) kịp thời vận chuyển hàng hóa ứng cứu nhân dân…

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/du-tru-hang-hoa-phong-chong-thien-tai-127294.html