Đưa chính sách bảo hiểm đến vùng sâu

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là chính sách ưu việt, đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, đối với bà con ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số (DTTS) như huyện Bù Gia Mập, việc tiếp cận vẫn còn những hạn chế nhất định. Để giúp người dân hiểu, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, các đơn vị liên quan đã phối hợp chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Công tác này bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Phú Nghĩa là xã có hơn 30% số hộ đồng bào S’tiêng sinh sống, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên vẫn còn khó khăn. Phần lớn người dân chưa hiểu rõ, nắm chắc những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Để đưa các chính sách bảo hiểm đến gần với người dân, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Kênh tuyên truyền thiết thực này đã giúp nhiều người dân hiểu, tin tưởng và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT. “Nhà nước đưa ra chính sách bảo hiểm là đã bảo vệ quyền lợi cho người dân rồi. Vì thế, khi được chính quyền địa phương, đại lý đến tư vấn, giải thích cô đọng, dễ hiểu nên bảo hiểm nào tôi cũng mua và vận động con cháu, người thân cùng tham gia” - bà Hoàng Thị Thơm ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa chia sẻ.

Tuyên truyền trực tiếp là giải pháp quan trọng đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân vùng sâu. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Bù Gia Mập phối hợp BHXH huyện trực tiếp tuyên truyền tại các hộ dân thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa

Tuyên truyền trực tiếp là giải pháp quan trọng đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân vùng sâu. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Bù Gia Mập phối hợp BHXH huyện trực tiếp tuyên truyền tại các hộ dân thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa

Tuy vậy, không phải đối tượng nào cũng dễ vận động tham gia, nhất là người DTTS. Những năm trước, Phú Nghĩa thuộc xã khó khăn nên người DTTS ở địa phương được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2021, gần 2 ngàn người DTTS không còn được Nhà nước hỗ trợ chính sách này nữa, dẫn đến tỷ lệ bao phủ BHYT giảm. Để tỷ lệ này tăng trở lại thực sự là bài toán khó, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Điểu Hùng thừa nhận việc tuyên truyền, vận động để người dân tham gia BHYT rất khó, nhất là với người DTTS, do trình độ nhận thức hạn chế, chưa am hiểu nhiều về chế độ, chính sách BHYT, BHXH.

“Để đưa chính sách BHYT đến với người dân, giải pháp của chúng tôi thường thực hiện hiệu quả là tận dụng các cuộc hội họp tại khu dân cư cũng như hội trường xã, lồng ghép mời các đại lý đến tuyên truyền, tư vấn, giải thích cho người dân hiểu và tham gia. Cùng với đó, những hộ khó khăn thì vận động xã hội hóa hỗ trợ một phần kinh phí tiếp thêm động lực cho người dân. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên cuối năm 2021 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 92%” - ông Điểu Hùng nêu giải pháp.

Phát huy cánh tay nối dài ở cơ sở

Để công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia BHXH, BHYT đạt hiệu quả, việc mở rộng mạng lưới đại lý cũng là giải pháp thiết thực. Hiện toàn huyện Bù Gia Mập có 43 đại lý, cộng tác viên BHXH, BHYT, tăng 20 người so với giữa năm 2021. Hệ thống đại lý được xem như cánh tay nối dài của ngành BHXH khi tiếp cận, bám sát địa bàn, trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tư vấn về các chính sách bảo hiểm. “Qua nghiên cứu thấy BHXH tự nguyện cực kỳ hay, còn BHYT quá là tuyệt vời, bởi người dân được chăm sóc sức khỏe rất tận tình, chu đáo. Ngày xưa còn mới nên chưa ổn lắm nhưng bây giờ cơ sở y tế từ tuyến xã đến Trung ương đã hoàn thiện, hiện đại đáp ứng mọi nhu cầu cho bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT. Vì thế, tôi càng tích cực vận động người dân tham gia và thụ hưởng” - chị Hoàng Nữ Chinh, đại lý BHXH, BHYT thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa chia sẻ.

Cách chúng tôi vẫn thường xuyên làm đó là trực tiếp tuyên truyền cho người dân hiểu nội dung của BHXH tự nguyện cũng như BHYT hộ gia đình, những lợi ích mang lại, mức đóng linh hoạt ra sao, quyền lợi được hưởng trong BHXH, BHYT là gì... Bởi khi Nhà nước đã ban hành một chính sách là hướng đến quyền lợi, lợi ích của người dân rất tốt.

Chị Hoàng Nữ Chinh, đại lý BHXH, BHYT thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập

Ngoài trực tiếp đến từng hộ dân, căn cứ vào lịch hội họp của lãnh đạo xã, thôn hằng tháng, hằng tuần, chị Chinh còn đăng ký tham gia tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm bắt, hiểu rõ hơn về chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Bằng cách giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, chị Chinh đã đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần với người dân. Hiện phần lớn người dân thôn Tân Lập đã tự nguyện tham gia BHYT hộ gia đình, còn BHXH mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn mờ nhạt.

Xã Phú Nghĩa hiện có 8 đại lý BHXH, BHYT. Trong đó, các trưởng thôn hoặc trưởng các đoàn thể trực tiếp làm đại lý. Đây thực sự là “chân rết” quan trọng trong việc tuyên truyền, đưa chính sách bảo hiểm đến từng hộ dân, giúp họ hiểu được các quyền lợi, để từ đó tự nguyện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ông Nguyễn Ngọc Hổ, Giám đốc BHXH huyện Bù Gia Mập cho biết: Thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2021, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập bị cắt giảm gần 14 ngàn thẻ BHYT. Vì thế, để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân theo chỉ tiêu tỉnh giao là một thách thức lớn. Ngành BHXH cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực trong năm qua. Thành quả vượt khó ấy đã được khẳng định khi tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân năm 2021 trên địa bàn đạt 92,5%, vượt so với chỉ tiêu giao.

Công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia chính sách bảo hiểm cần phải đổi mới, tuyên truyền trực quan trực tiếp và phải có những ví dụ cụ thể, so sánh cụ thể giữa người chưa tham gia và đã tham gia BHXH, BHYT. Qua đó người dân sẽ thấy rõ những lợi ích thiết thực từ chính sách BHYT, BHXH của Đảng và Nhà nước ta.

Ông Trương Lương Anh, Phó trưởng Phòng Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bù Gia Mập

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập vẫn giảm 5% so với đầu năm (từ 97,5% xuống 92,5%). Đặc biệt, năm 2022 khi xã Phước Minh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ cắt giảm thêm 5.000 thẻ. Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT thì cần phát triển thêm gần 13 ngàn thẻ. Trong các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, tuyên truyền, vận động tiếp tục được xem là giải pháp trọng tâm. “Để đưa chính sách bảo hiểm đến với người dân vùng sâu, xa, DTTS, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân thời gian tới thì rất cần sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân” - ông Trương Lương Anh, Phó trưởng Phòng Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bù Gia Mập nhấn mạnh.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/130465/dua-chinh-sach-bao-hiem-den-vung-sau