Đưa chính sách trợ giúp pháp lý đến gần người dân

TGPL miễn phí là chính sách nhân đạo của Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được hưởng.

Chúng tôi gặp trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Xuân Tuyền khi anh vừa cùng các cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh kết thúc chuyến làm việc ở 5 xã của huyện Văn Bàn, gồm: Dần Thàng, Minh Lương, Dương Quỳ, Liêm Phú, Chiềng Ken. Tại đây, các cán bộ đã thông tin đến người dân Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), giới thiệu về Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh... Ngoài ra, những thắc mắc của người dân về lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, những vấn đề dân sự... đều được các trợ giúp viên giải đáp, tư vấn tận tình.

Theo anh Tuyền, đây là công việc thường xuyên của những cán bộ Trung tâm nhằm đưa chính sách TGPL đến gần người dân hơn, đặc biệt là đồng bào ở khu vực đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước.

Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người dân thôn Phú Sơn, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng.

Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người dân thôn Phú Sơn, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp trong các vụ việc TGPL theo quy định của luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Chị Trần Thị Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết: Trước đây, công tác truyền thông về TGPL được thực hiện lồng ghép trong hoạt động tư vấn pháp luật lưu động. Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, hoạt động tư vấn pháp luật lưu động không còn, thay vào đó là hoạt động truyền thông về TGPL theo Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

Trên cơ sở này, cùng với việc thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động TGPL, hằng năm, Trung tâm đều triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo truyền thông 1 lượt/thôn đặc biệt khó khăn, xã nghèo/năm. Năm 2018, Trung tâm và chi nhánh TGPL ở các huyện, thành phố đã tổ chức 170 đợt truyền thông về TGPL/169 xã, với hơn 7.300 người tham gia. 6 tháng đầu năm đã tổ chức 96 đợt/95 xã, với hơn 4.100 người tham gia.

Tuy nhiên, công tác truyền thông về TGPL trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều thôn, bản ở xa, giao thông chưa thuận tiện, nhận thức của người dân còn hạn chế... Chị La Thị Huyền Trang, trợ giúp viên pháp lý của trung tâm cho biết: Có những thôn, bản đường rất khó đi, cán bộ phải đi bộ vài tiếng đồng hồ để gặp dân. Vào mùa vụ, ban ngày bà con bận đi làm, công tác truyền thông phải tổ chức vào buổi tối nên ảnh hưởng đến chất lượng của buổi truyền thông. Có nơi do bất đồng ngôn ngữ giữa cán bộ với bà con, cần có người phiên dịch mới truyền tải được nội dung...

Theo các trợ giúp viên pháp lý, nhận thức của người dân ở các khu vực được TGPL theo quy định còn thấp, thiếu thông tin về chính sách TGPL nói riêng và một số chính sách, pháp luật nói chung... Do đó, ngoài truyền thông về chính sách TGPL, các trợ giúp viên pháp lý còn phải tuyên truyền các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... thông qua việc đưa ra những tình huống cụ thể để bà con dễ hiểu. Ngoài ra, các trợ giúp viên pháp lý còn tiếp nhận, tư vấn pháp luật tại chỗ cho người dân đối với những vụ việc đơn giản. Đối với những vụ việc phức tạp, cán bộ trả lời sau bằng văn bản.

TGPL miễn phí là chính sách nhân đạo của Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được hưởng. Tuy nhiên, để đưa chính sách này đến gần người dân, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu và biết đến địa chỉ TGPL khi cần. Đây cũng là nhiệm vụ được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa.

Theo điều 7, chương 2, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đối tượng được TGPL gồm người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp có khó khăn về tài chính gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sỹ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phap-luat/dua-chinh-sach-tro-giup-phap-ly-den-gan-nguoi-dan-z7n20190912085450501.htm