Đưa di văn Hán Nôm vùng đất Cố đô vươn tầm quốc tế
Hệ thống văn khắc Hán Nôm trên vách đá ở núi Non Nước, phường Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình không chỉ là minh chứng sinh động cho sự hiện diện và phát triển của di văn Hán Nôm tại vùng đất Cố đô, mà còn là biểu tượng độc đáo của sự giao thoa tinh tế giữa nghệ thuật điêu khắc, văn chương, phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử dân tộc.

Nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về Văn khắc Hán Nôm ở núi Non Nước.
Tỉnh Ninh Bình đang xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh “Văn khắc Hán Nôm núi Non Nước” vào Danh mục di sản tư liệu Ký ức thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kho di sản tư liệu quý giá
Văn khắc Hán Nôm là kho tàng di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trực tiếp trên vách đá tại Di tích lịch sử và danh thắng quốc gia đặc biệt núi Non Nước có niên đại trải dài từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX. Đây là nguồn sử liệu, văn liệu phong phú và quý giá, không chỉ ghi lại những sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng gắn liền với núi Non Nước của Ninh Bình mà còn của cả nước.
Trên núi Non Nước hiện nay có 43 văn bia ma nhai (là bia được khắc trên vách núi tự nhiên) và 12 tư liệu khác qua các bản dập. Trong đó, có 37 bản văn khắc Hán Nôm, 6 văn bia chữ Quốc ngữ niên đại trải dài từ thời Trần - Lê sơ thế kỷ XV, thời Mạc thế kỷ XVI, thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII-XVIII, thời Nguyễn đến đầu thế kỷ XX với hàng trăm các tác phẩm thơ, văn ngự chế của các vị vua, thơ đề vịnh của thi nhân cùng nét đặc sắc thư pháp, văn tự (chữ Nôm, chữ húy).
Một số tác phẩm ở đây có giá trị đặc biệt trong hệ thống văn bia ma nhai ở Việt Nam như: bia “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký” do Trương Hán Siêu soạn và khắc vào sườn núi vào năm Quý Mùi niên hiệu Thiệu Phong thứ 3 (1343) đời vua Trần Dụ Tông; bia “Thánh chỉ” của Thượng hoàng Trần Minh Tông khắc năm Kỷ Sửu niên hiệu Thiệu Phong (1349); bia do Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm đề…

Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về Văn khắc Hán Nôm ở núi Non Nước.
Qua nghiên cứu về bia khắc trên vách đá núi Non Nước, Giáo sư - Tiến sĩ Cảnh Huệ Linh, Đại học Khoa học kỹ thuật Triều Dương, Đài Loan (Trung Quốc) đánh giá, giá trị lịch sử của văn khắc Hán Nôm trên vách đá ở núi Non Nước rất đa diện và nổi bật. Giá trị của văn khắc không chỉ nằm ở chiều dài lịch sử mà còn ở sự phong phú trong nội dung, ý nghĩa thể hiện những thành tựu nghệ thuật đặc sắc trong việc sử dụng ngôn từ, chữ viết và phong cách văn chương các thời đại. Từ đó, có thể phản ánh đầy đủ, xác thực về các sự kiện lịch sử của đất nước.
Không chỉ nổi tiếng với các giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan mà còn là kho tàng di sản tư liệu đặc sắc. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước là di tích Quốc gia đặc biệt.
Đưa di sản ra thế giới
Với các giá trị nổi bật về nội dung, hình thức của văn khắc Hán Nôm núi Non nước, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh bảo tồn, số hóa, giáo dục phục vụ hoạt động du lịch và lan tỏa các giá trị về truyền thống văn chương hiếu học của ông cha.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho rằng, hoàn toàn có thể kết hợp phát huy hệ thống văn khắc núi Non Nước để phát triển du lịch khám phá tri thức. Trong giáo dục có thể phát triển nơi đây trở thành nơi “giáo dục trải nghiệm” bổ ích, lý thú thông qua tổ chức các chuyến ngoại khóa cho học sinh, sinh viên ở địa phương cũng như trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và học tập.
Xét trong bối cảnh quốc tế, văn khắc Hán Nôm núi Non Nước có thể so sánh với các di sản tư liệu khắc đá nổi bật như: Văn bia đá Hàn Quốc tại núi Namsan, bia đá cổ tại Ai Cập, các bia ký (stelae) hoàng gia tại Ethiopia… Vì vậy, tỉnh Ninh Bình cũng đang đẩy mạnh việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế nhằm xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh “Văn khắc Hán Nôm núi Non Nước” vào Danh mục di sản tư liệu Ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trên núi Non Nước hiện nay có 43 văn bia ma nhai là bia được khắc trên vách núi tự nhiên.
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, những bản văn khắc ở đây đều đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Ngoài giá trị nội dung, đây còn là những tác phẩm nghệ thuật rất đẹp mà trên đó vẫn còn những hình tượng, hoa văn ghi dấu ấn của một thời đại và cũng là sự phát triển nghề khắc đá Ninh Bình nổi tiếng ngày nay.
Việc ghi danh văn khắc Hán Nôm núi Non Nước vào Danh mục di sản tư liệu Ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là sự vinh danh cho một di sản độc đáo của Việt Nam mà còn là sự đóng góp quan trọng vào kho tàng ký ức chung của nhân loại.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Vũ Thanh Lịch cho biết, Sở tích cực tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện, thực hiện các dự án bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước. Trong đó sẽ nhấn mạnh đến việc phát huy giá trị di sản tư liệu, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó, không chỉ khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc mà còn là nền tảng đưa Ninh Bình phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa - xã hội và khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch thế giới.