Đưa Khánh Hòa vươn tầm trong không gian phát triển mới: Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương
Tỉnh Khánh Hòa đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với tầm nhìn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng dồi dào, Khánh Hòa đang đặt ra những định hướng phát triển chính nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá.
* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam: Phát triển 4 trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam.
Vừa qua, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01 về mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2025 - 2030. Nghị quyết đề ra mục tiêu Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng cao của cả nước, với nhân dân có mức sống cao, hiền hòa, hạnh phúc. Trong đó, tỉnh xác định 4 trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, gồm: Công nghiệp - năng lượng - du lịch, dịch vụ - xây dựng, đô thị.
Tỉnh sẽ tập trung đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp lớn mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nâng cao chất lượng, giá trị, mở rộng quy mô sản xuất các mặt hàng chủ lực; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn. Mục tiêu là phát triển Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, đi đầu trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu từ các nguồn điện gió ven biển và ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí LNG, năng lượng Hydrogen xanh, điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, phát triển ngành dịch vụ và du lịch theo hướng đa dạng, chất lượng cao, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao. Tỉnh chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ hóa phương thức kinh doanh, phấn đấu mức tăng trưởng du lịch hằng năm đạt 15%. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, phát triển doanh nghiệp và thị trường khoa học công nghệ. Mục tiêu là đưa Khánh Hòa vào nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước ở các lĩnh vực: Hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vắc xin và sinh phẩm y tế, công nghệ thông tin, năng lượng, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch.
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam: Tập trung khai thác thế mạnh kinh tế biển

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi.
Tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục thể chế hóa, hiện thực hóa các quan điểm và tầm nhìn mới để lồng ghép vào quá trình điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển cần quan tâm đến các yếu tố trọng điểm trong phát triển kinh tế biển là du lịch, cảng hàng hải - logistics, năng lượng tái tạo, nông nghiệp - thủy sản; quan tâm phát triển đô thị, khu kinh tế - công nghiệp, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, quan tâm bảo tồn biển và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào các lĩnh vực quản lý và khai thác sử dụng biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế biển xanh và bền vững. Ngoài ra, tỉnh phải tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định các không gian đột phá cho phát triển kinh tế biển theo cả cấu trúc dọc (khu vực vịnh: Vân Phong, Cam Ranh, Vĩnh Hy, Cà Ná) và cấu trúc ngang (vùng ven biển, biển, đảo với đặc khu Trường Sa). Trong đó vùng ven biển là vùng động lực phát triển trọng điểm.
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thục Anh - Trường Đại học VinUni: Chuyển đổi xanh trở thành mô hình phát triển tiên tiến

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thục Anh.
Chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế mà còn là cơ hội lịch sử để Khánh Hòa thiết lập lại mô hình phát triển theo hướng xanh - thông minh - công bằng - thích ứng. Chiến lược chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 được triển khai trên 6 trụ cột liên ngành, tương ứng với định hướng phát triển kinh tế - sinh thái của tỉnh, gồm: Công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, du lịch xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh và lối sống xanh. Mỗi trụ cột đều gắn với mục tiêu cụ thể, giải pháp trọng tâm và các dự án ưu tiên có tính khả thi cao, tương ứng với đặc trưng kinh tế, sinh thái của địa phương. Nếu thực hiện thành công, Khánh Hòa sẽ không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là biểu tượng xanh của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới. Thông qua hành trình chuyển đổi xanh, Khánh Hòa còn có cơ hội định vị lại hình ảnh thương hiệu địa phương, từ một điểm đến du lịch biển nổi bật trở thành một hình mẫu về tỉnh ven biển phát triển bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Thương hiệu “Khánh Hòa xanh” không chỉ là cam kết môi trường, mà còn là lời hứa về chất lượng sống, về mô hình phát triển tiên tiến và về vai trò dẫn dắt chuyển đổi trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và cả nước.