Đưa người nghiện ma túy từ 12 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng, sát với thực tiễn và kỳ vọng sẽ tạo được những bước chuyển mới trong công tác phòng, chống ma túy.

Các học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (thuộc xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) được học văn hóa trong quá trình cai nghiện. Ảnh: T.Tâm

Các học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (thuộc xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) được học văn hóa trong quá trình cai nghiện. Ảnh: T.Tâm

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là việc đưa người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi đi điều trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

* Bắt buộc đi cai nghiện

Theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, người nghiện từ 12-18 tuổi phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp họ không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời gian cai nghiện tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy, các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Đặng Xuân Hòa cho biết, Văn phòng Quốc hội vừa ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục để TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn còn nhiều khó khăn và cân nhắc trong việc quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa người nghiện từ 12-18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo dự án pháp lệnh nói trên để làm căn cứ áp dụng.

Để quy định cụ thể hơn về việc áp dụng luật vào thực tiễn, giúp quá trình cai nghiện, quản lý người nghiện được chặt chẽ và đạt hiệu quả cao hơn, TAND tối cao cũng vừa ban hành dự thảo pháp lệnh về trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó đặc biệt quy định chặt chẽ về vấn đề đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

* Cần đảm bảo điều kiện tốt nhất khi tổ chức thực hiện

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, Đồng Nai hiện có gần 5 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có khoảng 200 người từ 12-18 tuổi nghiện ma túy. Điều này cho thấy ma túy đã ngày càng gây ra những nguy hại cho trẻ vị thành niên và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

Sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định đưa người từ 12-18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc, nhiều người dân đã tỏ ra rất đồng tình, bởi quy định này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng trẻ nghiện ma túy và phần nào kéo giảm tội phạm trẻ hiện nay.

Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Đặng Xuân Hòa cho biết, hiện các cơ quan chức năng tại Đồng Nai đang bắt đầu triển khai một số chương trình tập huấn đối với đội ngũ tham gia cai nghiện nói chung và cai nghiện bắt buộc cho người từ 12-18 tuổi nói riêng. Riêng về điều kiện cơ sở vật chất và các hoạt động khác để triển khai thực hiện theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 còn phải đợi sự chỉ đạo từ các cơ quan chức năng cấp trên.

Ông Trương Ngọc Tiến (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, tình trạng người trẻ nghiện ma túy đang ngày càng tăng và rất phức tạp, sẽ gây nguy hại và để lại hệ lụy lớn cho thế hệ trẻ mai sau. Theo ông Tiến, hiện nay có nhiều cám dỗ ngoài xã hội nên trẻ rất dễ rơi vào bẫy của những kẻ xấu và đôi lúc vô tình trở thành nạn nhân của ma túy. Trẻ vị thành niên dễ bị lôi kéo và sa ngã vào việc nghiện, hút các chất kích thích gây ảnh hưởng để sức khỏe, tương lai của trẻ. Do đó, đưa trẻ vị thành niên đi cai nghiện bắt buộc là biện pháp mạnh giúp người nghiện trẻ sớm được thoát khỏi những tiêu cực từ ma túy gây ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn khi có thể việc đưa trẻ vị thành niên vào cơ sở cai nghiện sẽ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý và có khi lại tạo hiệu ứng ngược. Bà Đoàn Thị Thanh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng, đưa trẻ vị thành niên vào cai nghiện là cần thiết nhưng cần có cách giáo dục và nhiều hoạt động đảm bảo trẻ được phát triển đúng với lứa tuổi của bản thân. Như vậy thì việc cai nghiện mới đem lại hiệu quả nhất định và trẻ mới được uốn nắn, từ bỏ được ma túy và biết đi đúng con đường tương lai, sớm trở thành công dân có ích cho xã hội.

Cũng theo ông Đặng Xuân Hòa, việc cai nghiện bắt buộc đối với trẻ 12-18 tuổi phải đảm bảo thủ tục thân thiện, mang lại lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; được đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, điều kiện cai nghiện và nhất là thực hiện quyền trẻ em theo luật định. Do đó, công tác này là lâu dài, bởi ngoài việc cần xây dựng một khu vực riêng dành cho việc cai nghiện đối với người từ 12-18 tuổi thì cũng cần nhiều điều kiện khác về giáo dục, giải trí và phải có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, giáo dục, y tế, xã hội học… Qua đó, việc cai nghiện đối với trẻ vị thành niên mới được đảm bảo tốt nhất. Mục đích cuối cùng là giúp các em hoàn thành chương trình cai nghiện hiệu quả mà không ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như tâm lý của trẻ.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202203/dua-nguoi-nghien-ma-tuy-tu-12-tuoi-vao-co-so-cai-nghien-bat-buoc-3108050/