Đua thuyền khổ luyện dự Olympic

Nếu như tay chèo Phạm Thị Huệ (SN 1990) - bà mẹ hai con có lần thứ ba liên tiếp giành vé thì VĐV trẻ Nguyễn Thị Hương (SN 2001) lần đầu góp mặt tại sân chơi Thế vận hội.

Mỗi ngày chèo 14-18km

Những ngày đầu tháng 6, PV Báo Giao thông tìm tới Trung tâm Huấn luyện đua thuyền quốc gia trên sông Giá, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng để gặp hai nữ VĐV sở hữu tấm vé dự Olympic Paris 2024 là Phạm Thị Huệ (rowing) và Nguyễn Thị Hương (canoeing).

Tay chèo Phạm Thị Huệ (trái) và Nguyễn Thị Hương tập luyện tại Trung tâm Đua thuyền quốc gia ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Tay chèo Phạm Thị Huệ (trái) và Nguyễn Thị Hương tập luyện tại Trung tâm Đua thuyền quốc gia ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Phải chờ đợi từ sáng sớm và tranh thủ lúc hai VĐV nghỉ giải lao, PV mới có được cuộc trò chuyện ngắn ngủi. Hằng ngày, các VĐV bắt đầu tập luyện từ 5h sáng. Sau 30 phút khởi động, họ đưa thuyền ra sông để tập dưới sự hướng dẫn của HLV.

Quá trình tập như vậy trên sông kéo dài khoảng 4 tiếng vào buổi sáng. Tới 14h, họ tiếp tục với những bài tập khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu vào các kỹ năng chuyên môn chuẩn bị cho Olympic.

Trung bình một ngày, mỗi VĐV chèo thuyền khoảng 14-18km trên sông với cường độ cao. Bên cạnh chuyên môn, VĐV còn phải rèn luyện thể lực tại phòng gym hoặc tập chạy.

"Quá trình nâng cao thể lực được phân bổ vào ngày chẵn và ngày lẻ. Các ngày thứ 2, 4, 6 chúng tôi tập gym. Còn thứ 3, 5, 7 sẽ tập chạy bộ. Một ngày tập luyện thường diễn ra từ 5h sáng cho tới 18h cùng ngày", nữ VĐV Phạm Thị Huệ kể.

Huệ cho biết, do đã có gia đình và hai con nhỏ, cô phải thuê nhà ở gần trung tâm huấn luyện để tiện chăm sóc cho hai con. Chồng Huệ cũng là VĐV đua thuyền nên hai người rất hiểu và chia sẻ, động viên nhau trong quá trình tập luyện cũng như sinh hoạt.

Đối với Nguyễn Thị Hương, tuy chưa lập gia đình nhưng để theo đuổi sự nghiệp, cô cũng phải hy sinh rất nhiều.

"Từ Tết đến giờ tôi chỉ ở trung tâm huấn luyện mà chưa một lần về thăm nhà. Tôi đang tập trung cao độ cùng HLV để phấn đấu đạt thành tích tốt nhất tại Olympic Paris 2024 vào tháng 8 tới", Hương chia sẻ.

Quanh năm phơi nắng, dầm mưa

Cũng theo nữ VĐV quê Vĩnh Phúc, với đặc thù của môn đua thuyền, chỉ khi trời mưa quá to hoặc có giông bão, VĐV mới dừng tập trên sông để chuyển sang tập thể lực. Còn lại, dù nắng cháy da hay rét cắt thịt, VĐV vẫn vác thuyền xuống sông rèn luyện.

Nguyễn Thị Hương và huấn luyện viên sau giờ tập luyện.

Nguyễn Thị Hương và huấn luyện viên sau giờ tập luyện.

"Dân đua thuyền tụi tôi không có cô nào da trắng là vì thế. Quanh năm dầm mưa phơi nắng, dùng bao nhiêu loại kem chống nắng cũng không thể lại được thời tiết", Phạm Thị Huệ nói.

Ông Lưu Văn Hoàn, HLV của VĐV Nguyễn Thị Hương cho biết thêm: "Nếu rowing từng năm lần tới Olympic thì đây là lần đầu canoeing có vé. So với mặt bằng chung thế giới, môn đua thuyền của Việt Nam chưa thể theo kịp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực, tích cực tập luyện, phấn đấu đạt thứ hạng cao nhất có thể. Hương còn trẻ, đang ở đỉnh cao nên còn nhiều cơ hội vươn lên".

Theo tìm hiểu, thành tích của rowing Việt Nam bền bỉ qua 5 kỳ Olympic với 7 thuyền vượt qua vòng loại. Đặc biệt, trong đó có 4 kỳ Olympic liên tiếp, rowing Việt Nam đều có VĐV thi đấu vượt qua vòng loại. Trong lần này, Phạm Thị Huệ cũng đặt quyết tâm vào thi vòng chung kết.

Từ hội khỏe Phù Đổng đến thể thao đỉnh cao

Phạm Thị Huệ sinh ra trong một gia đình thuần nông có tới bốn anh chị em ở huyện Hương Trạch, tỉnh Quảng Bình. Điều kiện kinh tế vì vậy rất thiếu thốn. "Gia đình tôi nghèo lắm, bố mẹ đều làm nghề nông, thu nhập không đáng kể. Mấy chị em hiếm khi được biết tới những tấm áo mới", Huệ bộc bạch.

Huệ sớm nổi lên là cô gái có năng khiếu thể thao. Từ khi học cấp 2, cô thường xuyên tham gia Hội khỏe Phù Đổng từ cấp huyện lên cấp tỉnh và đạt nhiều thành tích cao. Sau đó, cô được nhận vào huấn luyện tại bộ môn đua thuyền của tỉnh Quảng Bình.

Học hết lớp 12, cô bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp. Chỉ sau chưa đầy một năm tập huấn tại Hà Nội, cô đã giành HCV Giải vô địch rowing toàn quốc.

Sau hơn 5 năm thi đấu chuyên nghiệp, cống hiến cho Đoàn thể thao tỉnh Quảng Bình và giành nhiều huy chương tại các giải đấu chuyên nghiệp, Huệ vẫn không được vào biên chế. Năm 2014, cô đầu quân cho Đoàn thể thao TP Đà Nẵng và tiếp tục thi đấu từ đó đến nay.

Giống người đàn chị ở đội tuyển đua thuyền, Nguyễn Thị Hương cũng đến với thể thao chuyên nghiệp từ phong trào Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên trở thành VĐV chuyên nghiệp, Hương lại theo môn đấu vật.

Bước ngoặt đến với cô chỉ sau một năm tập luyện, bộ môn vật của thể thao tỉnh Vĩnh Phúc giải thể, cô được HLV đua thuyền nhận về tiếp tục bồi dưỡng. Nhờ nền tảng thể lực cực tốt, nữ VĐV sinh năm 2001 nhanh chóng bắt kịp các đồng đội về khối lượng tập luyện, tiến bộ không ngừng và giành nhiều thành tích xuất sắc.

"Gia đình tôi không ai theo nghiệp thể thao. Tôi đến với đua thuyền giống như cái duyên. Hiện tôi chưa nghĩ nhiều cho tương lai, chỉ muốn gắn bó cùng rowing tới khi nào có thể", Hương tâm sự.

Chiều 25/5, ông Olivier Brochet, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cùng Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường đã đến thăm và động viên hai VĐV đạt chuẩn dự Olympic là Nguyễn Thị Hương và Phạm Thị Huệ.

Theo Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam, để chuẩn bị cho các cuộc tranh tài tại Olympic Paris 2024, Hương và Huệ sẽ cùng toàn đội tham gia tranh tài tại giải vô địch Đông Nam Á, tổ chức vào tháng 6 tại Hải Phòng.

Sau đó, tay chèo Nguyễn Thị Huệ sẽ lên đường sang Thái Lan tập huấn trước khi sang Pháp thi đấu. VĐV Nguyễn Thị Hương dự giải U23 thế giới tổ chức tại Hungary trước khi tranh tài tại Thế vận hội.

Hoàng Long

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dua-thuyen-kho-luyen-du-olympic-192240625095635289.htm