Đức thúc đẩy phê chuẩn EVIPA, tạo động lực mới cho đầu tư với Việt Nam
Ngày 23/7, Chính phủ Liên bang Đức đã chính thức trình Quốc hội liên bang dự thảo luật phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Đây là bước đi được cộng đồng doanh nghiệp hai nước kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn hợp tác đầu tư sâu rộng hơn, bổ sung cho Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ năm 2020.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, tại cuộc họp nội các lần thứ 11, Chính phủ Đức không chỉ thông qua dự thảo phê chuẩn EVIPA với Việt Nam, mà còn với Singapore - quốc gia Đông Nam Á khác đã ký hiệp định đầu tư tương tự với EU. Theo nội các Đức, các hiệp định bảo hộ đầu tư này là một phần trong chiến lược tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực Đông Nam Á, khu vực năng động hàng đầu thế giới.
Việc nền kinh tế lớn nhất EU thúc đẩy quá trình phê chuẩn EVIPA được xem là kết quả của quá trình vận động kéo dài nhiều năm từ phía Chính phủ Việt Nam, các đối tác EU và cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Hồi đầu tháng 7, tại cuộc gặp Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Berlin, Phó chủ tịch Quốc hội Đức Bodo Ramelow đã thông báo việc khởi động tiến trình xin ý kiến các bên liên quan để tiến tới phê chuẩn EVIPA trong Quốc hội Đức.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: TTXVN
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức từ lâu đã là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược song phương. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều hơn 10% mỗi năm trong nhiều năm qua. Việc EVFTA có hiệu lực đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức, trong đó có các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản chế biến và linh kiện điện tử.
Việt Nam và Đức có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam có thế mạnh về công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm, công nghệ số và dịch vụ, trong khi Đức là quốc gia hàng đầu về công nghiệp nặng, máy móc thiết bị, công nghệ chế tạo, năng lượng tái tạo và nguyên vật liệu. Sự bổ trợ này tạo nền tảng vững chắc để các nhà đầu tư hai nước mở rộng hợp tác.
Tính đến cuối năm 2023, Đức có 463 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 2,68 tỷ USD, tập trung tại các địa phương có hạ tầng phát triển như TP.HCM, Đồng Nai và Hà Nội. Trong năm 2024, dòng vốn đầu tư từ Đức tiếp tục gia tăng, với tổng số 472 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký lên tới 2,76 tỷ USD, cho thấy xu hướng mở rộng và ổn định từ nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.
Bối cảnh địa chính trị và chiến lược “đa dạng hóa và giảm rủi ro” đang thúc đẩy các doanh nghiệp Đức tìm kiếm đối tác và thị trường tiềm năng ngoài châu Âu. Với vị trí chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lực lượng lao động trẻ và chính sách phát triển bền vững, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều lĩnh vực đang được các nhà đầu tư Đức đặc biệt quan tâm như: Năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, chuyển đổi xanh, logistics, giáo dục, dịch vụ và công nghệ số. Với việc EVIPA được phê chuẩn, doanh nghiệp Đức sẽ có thêm cơ chế bảo hộ đầu tư rõ ràng, minh bạch và đáng tin cậy hơn, từ đó khuyến khích mở rộng hiện diện tại thị trường Việt Nam.
EVIPA khi có hiệu lực, sẽ tăng cường an toàn pháp lý cho nhà đầu tư EU tại Việt Nam, tạo cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch và công bằng, đồng thời góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư theo các tiêu chuẩn cao của quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng giúp thu hút dòng vốn chất lượng cao, góp phần vào phát triển bền vững, xanh và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong giai đoạn tới.