Đừng biến mình thành 'hung thần đường phố'

Chỉ trong một tuần, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra hai vụ va chạm liên hoàn thương tâm và hậu quả để lại có thể đeo đẳng suốt đời với nạn nhân, người thân của họ và chính tài xế.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông liên hoàn tại ngã tư Trần Đại Nghĩa - Đại La (phường Tương Mai, Hà Nội). Ảnh: T.L

Hiện trường vụ tai nạn giao thông liên hoàn tại ngã tư Trần Đại Nghĩa - Đại La (phường Tương Mai, Hà Nội). Ảnh: T.L

Một giây lơ là, cả đời hối hận

Chỉ trong nửa đầu tháng 7-2025, hai vụ tai nạn liên hoàn liên tiếp đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội, mỗi vụ một nguyên nhân nhưng cùng chung hệ lụy nghiêm trọng. Đây là minh chứng rõ ràng cho sức tàn phá khủng khiếp khi con người mất kiểm soát sau vô-lăng dù bởi rượu bia, mất ngủ hay chỉ vì một giây mất tập trung.

Sự việc xảy ra vào khoảng 20h ngày 16-7, trước tòa CT7 trên đường Nguyễn Trác (phường Dương Nội). Xế hộp mang biển kiểm soát 30K‑730.xx, do Lê Minh Giáp (sinh năm 1984) điều khiển, đã lao vào 7 phương tiện đang di chuyển, trong đó có 5 xe máy. Hậu quả là anh Đồng Quốc V (sinh năm 1984) tử vong tại chỗ; chị Lê Thị Hà G cùng con gái nhỏ bị thương, trong đó có một cháu chấn thương sợ não.

Kết quả đo nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Giáp là 0,861 mg/L, cao gấp 2,2 lần mức “kịch khung” 0,4 mg/L theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Con số này không chỉ vi phạm luật pháp, mà còn đưa tài xế trở thành “hung thần” trên đường.

Vụ tai nạn giao thông liên hoàn nghiêm trọng vào tối 16-7 khiến 1 người tử vong tại chỗ. Ảnh: CACC

Vụ tai nạn giao thông liên hoàn nghiêm trọng vào tối 16-7 khiến 1 người tử vong tại chỗ. Ảnh: CACC

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi tham gia giao thông, dù nồng độ cồn thấp cũng ảnh hưởng đến thần kinh.

“Ở mức nhẹ gây hưng phấn; ở mức nặng gây mất kiểm soát hành vi và ở mức cao gây rối loạn phối hợp vận động và phán đoán - hoàn toàn không thể lái xe. Do đó, người dân khi tham gia giao thông cần phải xác định tâm thế “đã uống rượu bia thì không lái xe””, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Chỉ một tuần trước, sáng 9-7, tại ngã tư Trần Đại Nghĩa - Đại La (phường Tương Mai), một vụ tai nạn tương tự cũng gây sốc. Xe ô tô biển kiểm soát 30K‑026.xx, do bà N.T.H (sinh năm 1975) điều khiển, tăng tốc mất kiểm soát, đâm thẳng vào 11 xe máy và 1 xe máy điện, khiến 10 người bị thương, trong đó 1 người tử vong. Dù kết quả kiểm tra cho thấy tài xế âm tính với chất kích thích nhưng người nhà cho biết, bà H đã mất ngủ nhiều ngày trước khi xảy ra tai nạn.

Theo Cơ quan An toàn giao thông cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), lái xe trong trạng thái buồn ngủ đã liên quan đến hàng trăm ca tử vong mỗi năm. Tinh thần mệt mỏi làm giảm sự tỉnh táo, thị lực lờ đờ và có thể gây ra ngủ gật chỉ trong vài giây ngắn ngủi nhưng cực kỳ nguy hiểm khi đang điều khiển xe ở tốc độ cao.

Anh Tạ Quang Huân (tài xế taxi công nghệ tại Hà Nội) có hơn 20 năm kinh nghiệm, chia sẻ: Tình trạng mất ngủ, ngủ không đủ giấc hay “giấc ngủ trắng” luôn là nỗi ám ảnh với lái xe chuyên nghiệp. Thời điểm dễ buồn ngủ nhất là sáng sớm hay chiều tối. Điều này cảnh báo rằng, ngay cả với những người có kinh nghiệm, mệt mỏi và mất ngủ vẫn có thể biến họ thành “hung thần vô hình”.

Ngoài rượu và buồn ngủ, mất tập trung là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Theo một số nghiên cứu, việc mất tập trung khi lái xe có mức độ nguy hiểm tương tự như việc uống rượu bia khi lái xe.

Có ba dạng mất tập trung phổ biến, gồm: Thị giác (nhìn điện thoại, cảnh vật bên đường), tâm lý (suy nghĩ chuyện riêng, trò chuyện khiến giảm khả năng phản ứng) và thao tác tay (rời tay khỏi vô lăng để ăn uống, điều chỉnh thiết bị). Trong đó, điện thoại di động là yếu tố gây xao nhãng nghiêm trọng nhất vì kết hợp cả ba dạng này, làm tăng nguy cơ tai nạn đáng kể.

Theo các chuyên gia giao thông, chỉ cần 3-5 giây mất tập trung, một chiếc xe ô tô chạy với tốc độ 50km/h có thể lao thêm từ 50-70m mà không nằm trong tầm kiểm soát. Đó là khoảng cách đủ để đâm vào chướng ngại vật, gây tai nạn liên hoàn hoặc thậm chí cướp đi sinh mạng của người vô tội.

Cần siết chặt hơn từ nhiều phía

Hai vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng tại Hà Nội mới đây đã cho thấy, dù nguyên nhân khác nhau, đó là người uống rượu, người thiếu ngủ nhưng điểm chung đều là sự xao nhãng trong vài giây ngắn ngủi, dẫn đến hậu quả nặng nề. Những vụ việc như vậy không chỉ gây tổn hại về người và của, mà còn để lại nỗi đau kéo dài cho nhiều gia đình.

Kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe. Ảnh: Thu Trang

Kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe. Ảnh: Thu Trang

Điều đáng lo ngại là phần lớn người dân vẫn đánh giá thấp các dấu hiệu như buồn ngủ, mệt mỏi hay “chỉ uống một ly bia”. Họ nghĩ rằng, mình vẫn đủ tỉnh táo để lái xe, cho đến khi sự cố bất ngờ xảy ra. Một cú chớp mắt, một lần nghiêng đầu, hay một tin nhắn nhanh trên điện thoại… cũng có thể biến chiếc xe thành “hung thần” trên đường phố.

Chính vì vậy, trách nhiệm không chỉ thuộc về người cầm lái. Hệ thống quản lý, cơ quan chức năng và cả cộng đồng cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Theo các chuyên gia, việc kiểm tra và xử phạt nồng độ cồn cần được thực hiện thường xuyên hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm, dịp lễ hoặc cuối tuần - thời điểm rủi ro gia tăng. Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã đưa ra chế tài nghiêm khắc nhưng nếu người vi phạm vẫn nghĩ rằng “một chén bia không sao”, thì rõ ràng công tác tuyên truyền còn chưa đủ sức răn đe.

Để loại bỏ “hung thần” đường phố, chị Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên dạy lái xe ô tô ở Hà Nội cho rằng, chương trình đào tạo lái xe cũng cần cải tiến, bổ sung các nội dung về nhận diện mệt mỏi, stress và tác động của thiếu ngủ, giống như cách người học được huấn luyện lái trong điều kiện mưa trơn hay đường dốc.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng camera giám sát tại các nút giao đông đúc cũng cần được mở rộng để phát hiện và “phạt nguội” kịp thời các hành vi nguy hiểm như sử dụng điện thoại khi lái xe hay vượt tốc độ. Gia đình, bạn bè cũng nên chủ động can ngăn người thân khi phát hiện họ định lái xe sau khi uống rượu hoặc thiếu ngủ, thay vì chỉ nhắc nhở cho có.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt cũng đưa ra 4 nguyên tắc sinh tồn khi cầm vô-lăng. Đầu tiên là cần tỉnh táo tuyệt đối, đánh giá thể trạng và tâm lý trước khi lái. Thứ hai là không uống rượu bia dù một chén nhỏ cũng có thể làm chậm phản xạ. Thứ ba là không dùng điện thoại, kể cả chỉ lướt tin nhắn nhanh, hãy để xa tầm tay. Cuối cùng là giữ khoảng cách, tốc độ phù hợp, đảm bảo luôn có thời gian xử lý sự cố.

Tai nạn không chừa bất cứ ai. Đôi khi, chỉ một quyết định nhỏ như dừng xe lại 5 phút nghỉ ngơi, từ chối một chén rượu, hay bỏ điện thoại xuống cũng có thể ngăn chặn một bi kịch lớn. Đừng để vài giây sơ suất đổi lấy cả cuộc đời tiếc nuối.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dung-bien-minh-thanh-hung-than-duong-pho-709354.html