Đừng bỏ người nghèo lại phía sau!

Tôi vừa điện thoại trao đổi với Phó Chủ tịch xã M. thuộc một huyện miền núi trong tỉnh, kể về trường hợp gia đình chị L. có 6 người con, đứa lớn đang học lớp 9, 3 đứa đang học cấp 1 còn 2 đứa sau 1 và 3 tuổi, đang ở 'ké' trên mảnh đất mẹ cho, thu nhập bấp bênh nhưng vẫn không được xét hộ nghèo, cận nghèo…

Chị L. vốn sinh ra và lớn lên tại xã M. Gia đình mẹ chị trước đây là hộ nghèo nhưng nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách và các hội đoàn thể để đầu tư chăn nuôi nên đã thoát nghèo được mấy năm nay. Chị L. lập gia đình nhưng làm ăn thất bại nên nhiều năm liền phải ở nhà thuê. Năm rồi thấy con gái đông con lại chăn nuôi bị lỗ vốn phải vay nợ ngoài nên mẹ chị đã cho con miếng đất sát nhà để làm tạm căn nhà che nắng, che mưa. Chị L. và chồng nhiều năm nay làm nghề nuôi vịt chạy đồng và vịt đẻ trứng. Có năm vịt thịt và trứng vịt được giá gia đình chị cũng có thu nhập tạm ổn để trang trải gia đình 8 miệng ăn. Tuy nhiên 2 năm gần đây giá vịt thịt và trứng vịt xuống thấp nên nuôi không có lãi. Đã vậy trong tháng 7 và tháng 8/2023 ở xã M. có mưa lớn gây lũ lụt, vợ chồng chị không kịp sơ tán đàn vịt nên bị lũ cuốn trôi hơn 1.000 con nên năm nay thua lỗ. Gia đình đông con nên vợ chồng chị phải làm quần quật từ sáng cho đến tối mịt mới về, lại phải thay phiên nhau ở lại đêm ngoài đồng để giữ vịt. Đàn con 6 đứa tự lo liệu ăn uống, chăm sóc nhau và tự đi học, 2 đứa nhỏ 1 và 3 tuổi thì “dí” qua ngoại chăm bởi anh chị tất bật “cày” kinh tế chứ không có thời gian rảnh để chăm...

UBND huyện Bắc Bình và Agribank trao nhà tình thương cho ông Mang Hai ở xã Phan Điền.

Để có vốn đầu tư nuôi vịt do không có sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo, nhà lại không có “sổ đỏ” nên không vay được ngân hàng, vợ chồng chị phải vay tiền bên ngoài với lãi suất cao. Nuôi vịt có lời thì đóng tiền lãi bên ngoài hết 2/3, còn 1/3 lo cho con. Nhưng năm nay lỗ nặng do mưa lũ làm thất thoát vịt nên Tết Nguyên đán cận kề không sắm sửa gì được cho con lại lo sẽ bị chủ nợ đến đòi nợ… Trở lại câu chuyện trao đổi với Phó Chủ tịch xã M. tôi hỏi vì sao gia đình chị L. không được xét hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo bởi nếu được trường hợp cận nghèo chị L. có cơ hội vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư làm ăn, không phải vay tín dụng đen. Và ít nhất là mấy đứa nhỏ được giảm các khoản đóng tiền học, bảo hiểm y tế… sẽ đỡ phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình chị, tương đồng là sẽ giúp mấy đứa nhỏ được đi học ít nhất cũng đến lớp 9. Phó Chủ tịch xã M. trả lời: Theo quy trình, hộ nghèo hoặc cận nghèo được thôn xét trước rồi xã mới xét. Ở xã M. đang chuẩn bị về đích xã nông thôn mới nên việc xét hộ nghèo hạn chế để đạt tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới?!...

Tôi vừa cùng đoàn Agribank Bình Thuận và UBND huyện Bắc Bình đi trao 6 căn nhà tình thương ở xã Phan Điền. Khi nhận được căn nhà mới, hầu hết các hộ đều xúc động, ông Mang Hai bình thường hay nhậu nên bỏ bê công việc đồng áng, khi nhận nhà mới đã hứa với đoàn: Tôi hứa từ nay bỏ nhậu, tập trung lo làm ăn để thoát nghèo, không phụ lòng các cấp đã hỗ trợ gia đình tôi, nay tôi có nhà mới và có tinh thần mới cho cuộc sống mới…

Ông Mang Beo – Chủ tịch UBND xã Phan Điền cho biết: Phan Điền chưa về đích được xã nông thôn mới bởi hộ nghèo chưa đạt chỉ tiêu. Nhiều năm nay huyện, xã, các ban, ngành hỗ trợ rất nhiều các phương án cho bà con làm ăn cũng như kêu gọi xã hội hóa tài trợ giúp bà con xây nhà tình thương, xóa nhà tạm, từng bước nâng cao đời sống của người dân bền vững, nhất là hộ nghèo và cận nghèo. Thực trạng ở Phan Điền là vậy, hộ nghèo, cận nghèo được cán bộ cơ sở sâu sát quan tâm, từ đây huyện mới nắm thực tế để hỗ trợ. Vì thế mới có câu chuyện cuối năm 2022, lẽ ra Agribank Bình Thuận chỉ tài trợ 200 triệu đồng cho Bắc Bình xây nhà tình thương theo kế hoạch năm 2023, còn lại sẽ hỗ trợ cho huyện khác. Tuy nhiên, ông Mai Văn Vụ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình đã nêu thực trạng hộ nghèo ở Phan Điền và đề xuất Agribank hỗ trợ thêm để giúp bà con. Khi biết được hoàn cảnh của bà con nghèo ở Phan Điền, ông Nguyễn Hữu Câu – Giám đốc Agribank Chi nhánh Bình Thuận đã quyết định nâng hạn mức hỗ trợ thêm cho Bắc Bình là 300 triệu đồng để xây 6 căn nhà tình thương, tăng 100 triệu đồng so với kế hoạch ban đầu. Ngoài được Agribank tài trợ, huyện Bắc Bình còn kêu gọi thêm các đơn vị và doanh nghiệp khác hàng trăm triệu đồng để xây nhà tình thương cho nhiều hộ nghèo ở trong huyện…

2 câu chuyện ở 2 xã, huyện khác nhau nhưng ở Bắc Bình thì có cách làm khác khi xã, huyện nhìn vào thực tế để giúp người nghèo vượt khó để thoát nghèo nhưng ở xã M. lại như “bỏ người nghèo lại phía sau” vì mục tiêu về đích nông thôn mới. Tết Nguyên đán cận kề, các ngành, các cấp và doanh nghiệp, mạnh thường quân đang dành những khoản kinh phí để hỗ trợ người nghèo có cái tết sum vầy, nhưng đâu đó vẫn còn người nghèo vẫn chưa được “nhìn tới”…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dung-bo-nguoi-ngheo-lai-phia-sau-116179.html