Đừng đủng đỉnh nữa

Hiện tại, đây là 'những chiếc bẫy cảm xúc' khi gây ngại ngùng, lo lắng mỗi lần đi qua. Việc trở thành 'bẫy thực sự' về an toàn tính mạng, trật tự xã hội, văn minh đô thị sẽ hiển hiện

Tháng 5-2023, với bài "Khiếp sợ hình ảnh kim tiêm "giăng bẫy" trên cầu bộ hành", Báo Người Lao Động phản ánh thực trạng hàng loạt cầu bộ hành ở TP HCM nhiều người không dám đi lại vì e ngại bị uy hiếp bởi những đối tượng liều lĩnh.

2 trong nhiều hình ảnh ghi lại trong hầm đi bộ

2 trong nhiều hình ảnh ghi lại trong hầm đi bộ

Trên cao đã thế, dưới đất không yên. Cuối tuần qua, bài "Hầm đi bộ như thế này thì ai dám đi?!" của báo gửi tới độc giả hình ảnh nhiều hầm khung cảnh âm u, bị lấn chiếm, nhếch nhác, người nằm vạ vật. Đáng sợ nữa, cơ quan chức năng còn phát hiện đồ nghề tiêm chích, người nằm bên cạnh hung khí…

Hầm đi bộ hay cầu bộ hành nếu không được ưu tiên sử dụng là sự lãng phí lớn về đầu tư. Vì e ngại sử dụng, việc băng qua đường của người dân gây kẹt xe, va chạm cùng những tổn hại không chỉ được đong đếm bằng kinh tế, sức khỏe.

Thực trạng đáng lo trong quản lý, phục vụ đó cũng gián tiếp gây nên sự xung đột với luật giao thông cũng như ý nghĩa thuận lợi, an toàn của cầu/hầm đi bộ.

Hiện tại, đây là "những chiếc bẫy cảm xúc" khi gây ngại ngùng, lo lắng mỗi lần đi qua. Việc trở thành "bẫy thực sự" về an toàn tính mạng, trật tự xã hội, văn minh đô thị sẽ hiển hiện nếu như không có sự nhìn nhận chính xác và can thiệp tức thời. Vì thế, các đơn vị quản lý hầm, cầu bộ hành không nên ứng xử với mối nguy trên bằng tư duy đủng đỉnh nữa.

Tuấn Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dung-dung-dinh-nua-196231217210747957.htm