Đừng gọi áo dài cách tân là trang phục truyền thống

Trong những năm gần đây, bên cạnh áo dài truyền thống, áo dài cách tân đã trở thành xu hướng thời trang của nhiều người, trong đó, nhiều nhà thiết kế đã cho ra đời những chiếc áo dài phá cách, dẫn đến nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Tại nhiều sự kiện, người ta trình diễn những thiết kế 'cách tân', 'cách điệu' nhưng lại được giới thiệu là 'di sản', 'trang phục dân tộc', điều này dễ gây hiểu lầm đối với trang phục truyền thống của Việt Nam.

Áo dài cách tân không xấu…

Áo dài Việt Nam, bao gồm cả áo dài nam và nữ, đã trải qua nhiều lần biến đổi mới hình thành khá hoàn chỉnh, ổn định và được thừa nhận là trang phục truyền thống như hiện nay. Trong những năm gần đây, bên cạnh áo dài truyền thống, áo dài cách tân đã trở thành xu hướng thời trang của nhiều người, trong đó, nhiều nhà thiết kế đã cho ra đời những chiếc áo dài phá cách, dẫn đến nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Áo dài truyền thống (ảnh: Kiều Hạnh)

Áo dài truyền thống (ảnh: Kiều Hạnh)

Có quan điểm cho rằng, mỗi năm áo dài phá cách một kiểu như vậy là phá vỡ truyền thống. Nhưng cũng có nhiều người ủng hộ dòng áo cách tân, bởi nó thỏa mãn nhu cầu thời trang của khá nhiều đối tượng, và thuận tiện hơn trong khi sử dụng.

Hoa khôi Áo dài Trương Thị Diệu Ngọc chia sẻ quan điểm cá nhân: "Tôi thấy hiện nay nhiều bạn mặc áo dài cách tân với váy cũng rất đẹp. Tôi cũng không có ý kiến gì quá khắt khe về vấn đề này. Truyền thống là điều đáng quý, đáng lưu giữ. Nhưng theo thời đại phát triển thì chiếc áo dài cũng được cách tân đổi mới cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề quan trọng theo tôi nghĩ là chiếc áo dài đó phù hợp với vóc dáng và tuổi tác của người mặc. Áo dài cách tân nhưng cũng đừng quá hở hang, làm sao phù hợp với thuần phong mỹ tục là được".

Không phải ai cũng ủng hộ việc thay đổi, làm mới tà áo truyền thống, nhưng rõ ràng, theo thời gian, theo xu hướng chung thì việc thay đổi, cách tân trong quá trình tìm kiếm vẻ đẹp cho tà áo dài Việt là điều không tránh khỏi. Điều quan trọng là làm mới tà áo dài như thế nào để không quá phá cách, không làm biến đổi hay mất đi giá trị của tà áo dài truyền thống, mà vẫn phù hợp với xã hội phát triển, là điều các nhà thiết kế luôn cố gắng hoàn thiện.

…nhưng đừng gọi là “Trang phục truyền thống”

Đã trải qua nhiều thế kỷ và hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhưng chiếc áo dài vẫn tồn tại vẻ đẹp nguyên sơ không thể xóa mờ, lai tạp. Nó vẫn hiện hữu trong những ngày lễ lớn, những ngày truyền thống của dân tộc Việt như linh hồn dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của con người việt nam. Năm 1931 trường Đồng khánh, trường Quốc học Huế vẫn cho học sinh nữ mặc đồng phục áo dài. Trước năm 68 và sau năm 75 chiếc áo dài còn được chọn là trang phục cho các trường nổi tiếng thời bây giờ.

Áo dài cách tân mang tính tiện dụng cao nhưng không thể gọi là “truyền thống” (ảnh: Bảo Thoa)

Áo dài cách tân mang tính tiện dụng cao nhưng không thể gọi là “truyền thống” (ảnh: Bảo Thoa)

Người ta hay nhắc đến cụm từ “Áo dài, di sản văn hóa Việt Nam”, nhưng không phải cứ “áo dài” thì được coi là di sản hay trang phục truyền thống, trang phục dân tộc. Nhiều nhà văn hóa cho rằng, chỉ áo dài truyền thống mới xứng danh với cụm từ “di sản”. Áo dài truyền thống là sự kế thừa giá trị lịch sử, trải qua hàng nghìn năm chứa đựng một cuộc hành trình dài cho đến hôm nay, vì vậy, sự “cách tân”, “cách điệu” để người mặc dễ sử dụng, tôn dáng hay tạo độ gợi cảm bằng cách thay đổi thiết kế truyền thống thì không thể coi là trang phục đại diện cho dân tộc được.

Theo nhà nghiên cứu trang phục Trịnh Bách, cách tân là phải bám vào nét truyền thống, trong khi những chiếc áo dài cách tân trên thị trường hiện nay, nhiều thiết kế không có được điều đó. Có nhà thiết kế đưa những sáng tạo mới vào nhưng lại không còn giống áo dài truyền thống Việt Nam. Ông lấy ví dụ, như áo dài của nam, người ta không chiết eo mà may suông thẳng để thể hiện sự nam tính. Đối với việc kết hợp váy đụp với áo dài mới xuất hiện trong năm vừa qua mà nhiều người cho rằng đó là kiểu kết hợp ngày xưa của các cụ là không chính xác, mà đó là váy có nguồn gốc của dân tộc Choang ở Trung Quốc. Cũng theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, trong lịch sử áo dài ghi nhận nhiều dấu ấn về sự cách tân, nhưng muốn giá trị của trang phục này được lan tỏa thì phải giữ cho được sự mềm mại, tinh thần của người Việt trong đó.

Nhà thiết kế Đức Hùng cũng đã từng có ý kiến: “Tôi khẳng định luôn, đó không phải áo dài Việt Nam. Nếu chúng ta cổ xúy, ủng hộ kiểu áo dài cách tân phối với váy đụp này thì hình ảnh tà áo dài truyền thống của Việt Nam sẽ bị mai một đi…”. Quả thật, những thay đổi quá khác lạ so với áo dài truyền thống đã gây nên làn sóng phẫn nộ với những ai muốn gìn giữ vẻ đẹp nguyên bản của chiếc áo dài truyền thống. Song, đây cũng là câu hỏi bỏ ngỏ khi mâu thuẫn giữa những giá trị cũ và những thay đổi “cần có” của thời đại mới vẫn luôn tồn tại không chỉ ở tà áo dài, mà còn ở mọi thứ trong cuộc sống.

Là nhà thiết kế áo dài số một của Việt Nam, nhà thiết kế Nhật Dũng cho rằng, chỉ áo dài truyền thống mới xứng danh với cụm từ “di sản”. “7 năm gần đây những hoa hậu đại diện các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam không còn ý thức bảo tồn di sản. Nhiều người đã chọn ra những bộ trang phục mang tính thời sự và biến tấu trang phục cho hoành tráng, ấn định vào cơ thể các hoa hậu một cách vô đối. Là một người đam mê quốc phục Việt Nam, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi nhiều người người công nhận nó là quốc phục nhưng nó lại không phải là áo dài truyền thống. Muốn khẳng định áo dài là quốc phục, là di sản Việt Nam thì thế hệ trẻ hãy khẳng định nó khi mặc áo dài truyền thống, đừng gọi áo dài cách điệu là áo dài truyền thống, sẽ làm mất đi hình ảnh cao quý của di sản mà từ bao đời nay vẫn được trân trọng như một bảo vật quốc gia”, nhà thiết kế cho biết.

Suy cho cùng, áo dài cách tân cũng có vẻ đẹp và sự tiện dụng riêng. Thời trang phải đi liền với tính ứng dụng trong cuộc sống thì mới có thể sống được, tồn tại được lâu dài cùng dòng chảy lịch sử. Sự sáng tạo làm nên những luồng gió mới, nếu không thời trang sẽ không còn đúng như tên gọi của nó.

Thế nhưng, hãy đừng gọi áo dài cách tân là “trang phục truyền thống”, “trang phục dân tộc” hay “di sản văn hóa Việt”, bởi những gì đã thuộc về “truyền thống” thì không thể “cách tân”.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dung-goi-ao-dai-cach-tan-la-trang-phuc-truyen-thong-103949.html