Đừng lãng quên F0!

Sự gia tăng với tốc độ phi mã các ca lây nhiễm COVID-19 đã khiến chuyện 'F0 bị 'bỏ quên' để rồi khiến cả nhà lây bệnh' đã trở thành thực tế nhức nhối đang hiện hữu tại một số địa phương.

Dường như đã qua rồi cái thời một ca F0 là từ đầu xóm tới cuối ngõ nháo nhác, xe cứu thương inh ỏi gọi người đi cách ly. Sự gia tăng với tốc độ phi mã các ca lây nhiễm COVID-19 đã khiến chuyện “F0 bị “bỏ quên” để rồi khiến cả nhà lây bệnh” đã trở thành thực tế nhức nhối đang hiện hữu tại một số địa phương.

1. “Tối 8/12, nữ cư dân cùng tầng báo với tôi, cô ấy dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, tôi trình báo lên tổ dân phố, Ban quản lý tòa nhà và toàn bộ cư dân. 10h ngày 9/12 trạm y tế phường có lên test COVID-19 cho cả tầng (trừ F0 ban đầu). Đến ngày 11/12, F0 ban đầu báo cho tôi, cả nhà họ (2 vợ chồng và 2 con nhỏ) đều dương tính. Ngay ngày hôm đó, tổ trưởng dân phố phát trang phục bảo hộ và yêu cầu gia đình F0 chuẩn bị đi cách ly. Tuy nhiên, 5 ngày trôi qua từ 1 F0 đã lây thành 4 F0 (trong đó 2 trẻ nhỏ chưa tiêm vaccine) chính quyền cơ sở, y tế phường vẫn chưa có bất kỳ động thái nào để đưa F0 đi thăm khám, cách ly” - đó là câu chuyện hoàn toàn có thật qua sự phản ánh của một cư dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Điều đáng nói, câu chuyện F0 bị “bỏ quên” ở Hoàng Liệt không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn không phải là trường hợp cuối cùng. Cách đó chưa lâu, rất nhiều bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương phản ánh bị y tế địa phương “bỏ quên” không hỏi thăm, cấp phát thuốc khi cách ly, điều trị tại nhà. Anh Đ.V.D - một bệnh nhân COVID-19 ở phường Tân Bình, thành phố Dĩ An kể lại, ngày 27/10, thấy có dấu hiệu nghi ngờ nên đã tự test nhanh và phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, anh gọi điện báo y tế phường và được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR. Y tế phường cũng yêu cầu anh cách ly, điều trị tại nhà nhưng không cấp phát thuốc, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe.

2. “Tôi có hỏi thì họ bảo hết thuốc rồi, họ cũng không hướng dẫn điều trị như thế nào chỉ dặn tự cách ly, điều trị tại nhà, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tôi đặt ví dụ nếu bệnh trở nặng tôi biết xử lý ra sao khi y tế không quan tâm, không tương tác gì để theo dõi tình hình người bệnh điều trị tại nhà” - anh Đ.V.D bức xúc.

Anh P. - cư dân phường Hoàng Liệt cũng chia sẻ: Dù cách ly ở nhà hay ở y tế cũng được nhưng phường phải có thông tư hướng dẫn cụ thể để mọi người biết nên làm gì, rác thải y tế xử lý ra sao, cần hỗ trợ thuốc, dụng cụ y tế cần thiết khác. Hơn nữa, việc không nhận được phản hồi từ phường khiến anh và mọi người cảm thấy bức xúc.

Đó là những bức xúc hoàn toàn có thể lý giải được. Bởi chỉ những lúc như thế, người dân mới thấy cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, từ các cơ quan chức năng. Bởi có những việc, đôi khi là hoàn toàn trong tầm với của cá nhân họ, cá nhân gia đình họ. Cái họ cần, như chính lời cư dân, đơn giản chỉ là được hướng dẫn “biết nên làm gì, rác thải y tế xử lý ra sao, cần dùng những loại thuốc nào”. Sự đòi hỏi ấy thiết nghĩ cũng hoàn toàn hợp nhẽ.

3. Liên quan đến vụ việc, trao đổi với báo chí, lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, phường đã tiếp nhận thông tin phản ánh của cư dân về vấn đề trên. Đồng thời khẳng định, không có chuyện chính quyền và cơ quan y tế phường bỏ quên bệnh nhân và không có bất kỳ biện pháp nào trong công tác phòng chống dịch như cư dân đã nêu trong đơn. Lãnh đạo Phường cũng cho biết Phường đã cử cán bộ y tế đến tầng lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đã có phổ biến, hướng dẫn yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cách ly, theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp này, tuy nhiên, đến nay mẫu gửi đi vẫn chưa được CDC Hà Nội thông báo kết quả khẳng định nên theo quy định của Bộ Y tế, phường chưa có cơ sở để đưa người F0 đi cách ly, điều trị.

Quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn “điểm nóng” khi số F0 liên tục tăng nhanh. Ghi nhận từ ngày 22/9 đến trưa ngày 15/12 là 1.455 trường hợp. Trong đó, 1.094 ca cộng đồng. Trên phạm vi toàn TP. Hà Nội, với số ca nhiễm những ngày gần đây lên đến hàng nghìn ca mỗi ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội hằng ngày phải thực hiện xét nghiệm hàng chục ngàn mẫu… Sự chậm trễ trong việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm và đưa người dân đi cách ly của Hoàng Liệt hay của nhiều địa phương khác là hoàn toàn có thể hiểu được.

Tuy nhiên, việc mẫu gửi đi đến cả hàng tuần vẫn chưa có kết quả thì lại là vấn đề cần “phải được hiểu cho rõ” từ các cơ quan chức năng liên quan tới vụ việc. Một tuần - đó là khoảng thời gian đủ cần thiết để con số F0 nhân rộng từ 1 đến 4 trong một gia đình và giả dụ nếu trong trường hợp các F0 không có ý thức hoặc vô thức không biết rõ cách phòng tránh cho người khác, thì khả năng lây bệnh ra cộng đồng là hoàn toàn khó có thể loại trừ.

Chuyên gia y tế PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, việc chậm trễ như vậy khiến công tác phòng chống dịch phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức người dân. Nếu họ không chấp hành, đi lại tự do thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng nêu rõ quan điểm là không phải vì như vậy mà chính quyền sở tại có thể ngó lơ việc này.

Con số ca nhiễm đang gia tăng chóng mặt nhưng hoàn toàn có trong dự liệu của các chuyên gia cũng như của các cấp chính quyền. Đây cũng không phải là đợt dịch đầu tiên, cũng không phải là làn sóng lây nhiễm gay gắt đầu tiên mà Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước trải qua. Sự bối rối hay chậm trễ trong việc xây dựng kịch bản ứng phó đều hoàn toàn khó có thể lý giải một cách thuyết phục. Cụ thể như chuyện quá tải xét nghiệm cũng không phải không giải quyết được. Nên nhớ, mới đây Bộ Y tế đã cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, thay vì xét nghiệm PCR mang giá trị khẳng định.

Trên tất cả, vì bất cứ lý do gì, thì sự an toàn, sức khỏe của người dân phải luôn luôn là yếu tố phải được xem trọng hàng đầu. Việc chậm trễ trong việc chăm lo cho sức khỏe bệnh nhân COVID-19 không thể là chuyện rút kinh nghiệm rồi để đó. Chúng ta đã có hình thức xử phạt đối với các cá nhân để lây lan dịch bệnh, vậy với các tổ chức, cá nhân chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch sẽ bị xử lý sẽ như thế nào? Đó hoàn toàn là câu hỏi cần phải được trả lời thấu đáo.

Đừng vì bất cứ lý do gì để F0 bị bỏ quên. Bởi đó không chỉ là câu chuyện chống dịch, đó còn là câu chuyện của tình người, của trách nhiệm, của lương tâm.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dung-lang-quen-f0-post172466.html