Được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng một số cơ sở vẫn thu gom nguyên liệu trôi nổi

Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 2138 người mắc và 6 trường hợp tử vong.

Gần đây liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, với hàng nghìn người bị ngộ độc trong 5 tháng qua, trong đó có trường hợp nguy kịch, tử vong, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, chiều ngày 1/6, trả lời phóng viên về việc tình hình ngộ độ thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 15/5/2024), toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. "So với cùng kỳ năm 2023 (từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 15/5/2023), số vụ giảm 4 vụ (10%), số mắc tăng 1.432 người (202,8%), số tử vong giảm 5 người (45,5%)"- ông Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP

Đề cập đến một số vụ ngộ độc lớn ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, ngay sau khi xảy ra những vụ ngộ độc trên, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chỉ đạo ngay các cơ sở y tế địa bàn tập trung cứu chữa, hạn chế thấp nhất bệnh nhân nặng và ca tử vong.

Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay cơ sở cung cấp thực phẩm, để tiến hành kiểm tra, đánh giá; cùng với đó truy xuất nguồn gốc, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc.

"Sau khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cùng các đơn vị liên quan, Bộ Y tế thấy rằng một trong những nguyên nhân là một số các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp lương thực thực phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn hiện tượng thu gom nguyên liệu thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số thực phẩm bị nhiễm Salmonella"- ông Tuyên thông tin.

Với tư cách là cơ quan thường trực của Ủy ban An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Bộ Y tế ngay từ đầu năm đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả của năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Bộ Y tế đã tham mưu để cấp địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Bí thư về bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới, cũng như triển khai thực hiện Nghị định 15 của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành thành viên có liên quan, đặc biệt là của 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.

Nhấn mạnh thêm, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã tổ chức ngay Hội nghị trực tuyến với các địa phương để hướng dẫn thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, các địa phương phải kiện toàn Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm, có phân công, phân nhiệm rõ ràng từng thành viên phụ trách lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo để tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; tiếp tục hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 17 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Công điện số 44 tháng 4/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế cũng đã triển khai hướng dẫn để bảo đảm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương. Các địa phương phải kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những cơ sở có giấy, không để những cơ sở có giấy mà không đủ điều kiện hoạt động hoặc những cơ sở đáng lẽ phải cấp giấy nhưng chưa được cấp giấy mà vẫn hoạt động… Kiểm soát chặt chẽ theo từng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể. Xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tuyên truyền vừa có tính chất răn đe. Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hiện nay, bếp ăn tập thể tại các đơn vị còn có loại hình khác là ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp để mang thực phẩm từ ngoài vào.

"Chúng tôi đề nghị làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm để bảo đảm ý thức hơn về an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân và các đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để thay đổi hành vi của người dân mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm" - ông Đỗ Xuân Tuyên nêu.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/duoc-cap-chung-nhan-an-toan-thuc-pham-nhung-mot-so-co-so-van-thu-gom-nguyen-lieu-troi-noi-323665.html