'Đuốc sáng' vùng cao Long Hẹ

Ông Lường Văn Hợp ở bản Nong Cốc, xã Long Hẹ (Thuận Châu) năm nay 64 tuổi đời, 34 năm tuổi Đảng, người dân nơi đây yêu mến, tự hào coi ông là ngọn 'đuốc sáng' của bản, vì đã thắp lên phong trào làm kinh tế, làm đổi thay vùng cao Long Hẹ Anh hùng.

Một góc mô hình vườn, ao, chuồng của gia đình ông Hợp

Một góc mô hình vườn, ao, chuồng của gia đình ông Hợp

Thủ lĩnh một thời

Tiết trời sang thu, từ thị trấn Thuận Châu theo tỉnh lộ 108, chúng tôi đến xã Long Hẹ, xuyên qua những cánh rừng Copia, sương mù vẫn còn răng khắp lối. Sau gần 2 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi có mặt tại nhà ông Lường Văn Hợp, bản Nong Cốc. Từ trong ngôi nhà sàn đi ra, dáng người cao to, nước da đen sạm, mái tóc điểm bạc nở nụ cười đôn hậu, ông Hợp niềm nở đón khách. Sau những lời thăm hỏi, nhấp ngụm chè thơm ngát, chúng tôi bắt đầu câu chuyện.

Ông Hợp trò chuyện cùng phóng viên về cách làm kinh tế của gia đình.

Ông Hợp trò chuyện cùng phóng viên về cách làm kinh tế của gia đình.

Ông Lường Văn Hợp sinh năm 1956 ở Long Hẹ, người dân tộc Kháng. Ông là con cả trong gia đình có tới 11 anh em, bố ông là giáo viên bình dân học vụ. Cuộc sống của gia đình ông thời đó rất khó khăn, nhưng với ý chí vươn lên, ông Hợp quyết tâm học lấy con chữ để về xây dựng quê hương, bản làng, giúp dân bản thoát nghèo. Đến năm 1972, ông tình nguyện nhập ngũ đánh Mỹ ở mặt trận Bắc Lào, đóng quân ở tỉnh Xiêng Khoảng; năm 1976 ông trở về Nghệ An, công tác ở Sư Đoàn 31, sau đó 1 năm ông về công tác tại Ban CHQS huyện Thuận Châu. Năm 1980, ông phục viên, tham gia công tác tại địa phương, làm xã đội phó. Đến năm 1986, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, làm xã đội trưởng, tiếp đó ông làm Phó Chủ tịch xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, đến năm 1996 ông được bầu làm Bí thư đảng ủy xã và giữ trọng trách hơn 3 nhiệm kỳ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2010.

Ngược dòng thời gian, ông Hợp nhớ lại: Long Hẹ là xã vùng cao của huyện Thuận Châu, thời đó, mỗi lần xuống huyện họp phải đi bộ băng rừng, vượt dốc từ 1 giờ đêm tới 7 giờ sáng mới tới thị trấn, mỗi lần đi là hết một đôi pin đèn. Trụ sở xã thời đó cũng phải mượn tạm một phòng của Trạm Y tế, trường học để làm việc. Đến năm 1998, được Nhà nước đầu tư một phần kinh phí, xã huy động nhân dân đóng góp gỗ, gianh lợp, ngày công dựng một ngôi nhà 3 gian để làm việc. Khó khăn thế nhưng cán bộ xã luôn đoàn kết, còn nhớ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cây thuốc phiện trồng khắp các bản, tôi cùng cán bộ xã phối hợp với lực lượng chức năng của huyện đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, với phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, dần dần người dân trong bản đã xóa sổ hoàn toàn cây thuốc phiện.

Loại bỏ được cây thuốc phiện ra khỏi đời sống nhân dân, ông đã cùng cán bộ xã bắt tay vào giúp người dân thay đổi tập quán canh tác bằng việc trồng rừng, trồng lúa nương, trước sản lượng chỉ khoảng 1 - 2 tấn/ha, từ khi được ông hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, năng suất lúa tăng lên 5 - 6 tấn/ha, người dân phấn khởi. Rồi được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đường, điện, trường học, trạm y tế, cuộc sống người dân vùng cao Long Hẹ bước sang một trang mới!

Ông Hợp bên rừng thông đã đến kỳ thu hoạch.

Ông Hợp bên rừng thông đã đến kỳ thu hoạch.

“Đuốc sáng” dẫn đường

Khi làm cán bộ, ông là “thủ lĩnh” hết lòng vì công việc, trở về cuộc sống đời thường, ông là người dẫn đầu trên mặt trận kinh tế. Khoát tay chỉ về phía những cánh rừng thông bạt ngàn một màu xanh biếc, ông Hợp, nói: Năm 2001, gia đình chúng tôi đã phải bán trâu, bò, lợn, gà để trồng rừng; thời điểm gian truân, vất vả nhất là các thành viên trong gia đình tự tay phát dọn thực bì, cuốc đất, đào hố, đi bộ hàng chục cây số để gánh cây giống lên các quả đồi.

Thành quả hôm nay ông Hợp đang sở hữu 134 ha rừng trồng cây thông, sơn tra và cây chè, trong đó có 116 ha rừng thông đã đến tuổi thu hoạch. Năm 2015, ông đã thử khai thác nhựa của 7.000 cây thông, bán được 300 triệu đồng. Tuy nhiên, những cây thông bị khai thác nhựa chậm lớn, lại hay bị gió bẻ gẫy, nên ông đốn tỉa để bán gỗ. Năm 2019, gia đình ông đốn tỉa khoảng 300 m³ gỗ thông, thu được hơn 500 triệu đồng. Ông trồng thông rải đều từ năm 2001 - 2009, nên càng về sau gia đình ông sẽ càng thu được nhiều hơn. Còn đối với những diện tích trồng thông đốn tỉa để bán gỗ, những cây thông con tự mọc sẽ lấp đầy khoảng trống để lại. Ngoài ra, mỗi năm ông Hợp thu hàng chục tấn quả thông làm giống, bán 2 triệu đồng/tấn.

Mải mê với những cánh rừng thông xanh tốt phủ kín những vạt đồi khiến chúng tôi quên cả thời gian. Chuông điện thoại reo, con trai ông Hợp gọi điện mời cả đoàn về ăn cơm trưa. Nhấp ngụn rượu cay nồng, ông Hợp, gật gù tâm đắc: Bữa ăn hôm nay toàn là thực phẩm gia đình nuôi, trồng được! Cá dưới ao, rau trên nương, ngan, gà ở trang trại, toàn là thực phẩm sạch được nhiều thương lái tin tưởng, mua hàng. Tiếp mạch câu chuyện, ông Hợp nói: Gia đình tôi còn trồng 2 ha cỏ, đào 5.000 m² ao cá, nuôi gần 50 con trâu, bò và hằng trăm con gia cầm. Cao điểm nhất, đàn trâu, bò của gia đình có đến 200 con. Mới đây, tôi vừa đắp đập ngăn nước ở khe núi, tạo thành ao rộng hơn 1 ha, dự kiến thời gian tới sẽ nuôi thử nghiệm một số giống cá chịu lạnh như cá hồi, tầm. Nếu thành công sẽ nhân rộng cho bà con cùng nuôi. Nhẩm tính, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình ông đạt hơn tỷ đồng.

Một hộ gia đình ở bản Nong Cốc được ông Hợp hỗ trợ bò nuôi rẽ.

Một hộ gia đình ở bản Nong Cốc được ông Hợp hỗ trợ bò nuôi rẽ.

Vượt qua gian lao, khó nhọc để gặt hái thành công, ông Lường Văn Hợp được dân bản coi như ngọn đuốc thắp sáng dẫn đường, tạo động lực, niềm tin cho người dân nơi đây trồng rừng, gắn bó với rừng. Cả bản Nong Cốc hiện có gần 1.000 ha rừng thông đã cho khai thác. Chỉ tính riêng năm 2019, ông Hợp đứng ra giúp bà con xuất bán 2.000 m³ gỗ thông với giá trung bình từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/m³, thu về hơn 3 tỷ đồng, số tiền đó nhiều hộ dân đã thoát nghèo.

Ngoài ra, ông Hợp đã giúp hàng chục hộ nghèo trong bản thoát nghèo bằng việc nuôi trâu, bò rẽ. Đến khi nghé, bê con sinh ra thì chia đôi lợi nhuận. Riêng năm 2020, có 4 hộ nghèo trong bản đang được ông giúp đỡ nuôi trâu, bò rẽ, gồm anh Tòng Văn Thu, Tòng Văn Hao, Lường Văn Phú, Lò Văn Phát.

Ghi nhận sự cống hiến trong phát triển kinh tế và tham gia xây dựng quê hương, ông Hợp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015” và còn nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện và các cấp, ngành, luôn được ông chân quý, là niềm tự hào và là tấm gương để con cháu noi theo.

Ra về khi trời xế chiều, dọc 2 bên đường, những hàng thông do ông Hợp cùng dân bản trồng reo vi vu tiếng gió, những người nông dân hối hả lùa đàn trâu, bò về chuồng, trẻ em nô đùa khi tan lớp, đi trên những con đường đã được trải nhựa thênh thang, chúng tôi biết rằng cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày một đổi thay tốt hơn và ông Hợp sẽ luôn là “ngọn đuốc” thắp sáng dẫn đường để dân bản đi theo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/duoc-sang-vung-cao-long-he-35059