Được xem, còn được tặng quà

Khán giả sân khấu công viên 3/2 đi từ bất ngờ này đến từ bất ngờ khác khi xem chương trình biểu diễn của Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang (Trung Quốc) vào tối 8/6.

 Không còn khoảng cách giữa diễn viên và khán giả

Không còn khoảng cách giữa diễn viên và khán giả

Lâu nay đầy say mê khi đọc tiểu thuyết Tàu hay xem trên màn hình những giai thoại và câu chuyện lịch sử về Lữ Bố, Quan Công trong “Tam Quốc diễn nghĩa” hoặc thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong “Tây du ký” với nhiều kiếp nạn gặp phải. Giờ đây mới được xem kịch - vụ kịch - biểu diễn trên sân khấu.

Tra vội google mới hay, tương tự hí kịch Bắc Kinh là vụ kịch Chiết Giang, được biết tới là một biến thể của hí kịch, thể hiện cá tính và phong cách riêng biệt, chú trọng đồng đều yếu tố dân gian và võ thuật, đồng thời tích hợp liền mạch cả hai yếu tố trong cách trình bày nghệ thuật.

Tiết mục “Ba lần đánh cốt tinh”, kể Đường Tăng cùng đệ tử đi Tây Trúc thỉnh kinh, Bạch Cốt Tinh muốn ăn thịt ngài nên ba lần biến hóa hình người để thực hiện âm mưu nhưng đều bị Ngộ Không phát hiện và đánh bại… như hút hồn khán giả. Già rồi như tôi, sợ độ cao và sợ nguy hiểm nhưng cũng đầy phấn khích với những màn múa võ, nhào lộn biểu diễn trên sân khấu của các diễn viên. Tóm lại là… vui.

Cũng đầy bất ngờ khi ở phần kết thúc chương trình, đại diện của đoàn trân trọng mời khán giả lên sân khấu giao lưu và nhận quà. Tặng vật thấy sao quen quen mà chịu không biết là gì. Tôi tò mò tìm người am tường để hỏi thì được hay, đó “áp khâm”, một phụ kiện yêu thích của phụ nữ Trung Hoa xưa. Nó ra đời từ đời Đường và mãi đến đời Thanh mới được phổ biến rộng rãi.

Festival Huế hay thiệt. Ở ngay tại thành phố quê hương, không đi đâu xa, mà vẫn được xem các loại hình nghệ thuật đặc sắc và quý hiếm như vụ kịch Chiết Giang, lại được tặng quà lạ… “áp khâm” nữa chứ.

Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/duoc-xem-con-duoc-tang-qua-141829.html