Đường đến kỳ tích của ngành y tế

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, vì thế ngành y tế cần không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt nhu cầu ấy.

“Thật thà đoàn kết - Thương yêu người bệnh - Xây dựng một nền y học của ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng” là nội dung thư Bác Hồ viết vào năm 1955 gửi cán bộ ngành y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Cho đến nay ngành y tế vẫn luôn đi theo phương châm hành động đó.

 BS NGUYỄN THẾ DŨNG, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

BS NGUYỄN THẾ DŨNG, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Thời gian qua, ngành y tế TP.HCM dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (cả chủ quan lẫn khách quan) nhưng vẫn đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Cùng nhìn lại, vào năm 2019, BV Nhi đồng 1 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tách dính cặp song sinh nhỏ nhất từ trước đến nay. Đến năm 2020, tiếp nối thành công đó, BV Nhi đồng Thành phố đã thành công tách dính ca song sinh phức tạp. Hay mới đây, Việt Nam ghi dấu ấn mới trong kỹ thuật can thiệp tim mạch bào thai điều trị bệnh tim bẩm sinh nặng.

Ngoài những thành tựu trên, còn rất nhiều thành tựu khác của ngành y tế TP xứng đáng được tự hào và vinh danh. Những thành tựu này làm tiền đề, nền tảng để có thêm nhiều thành tựu khác, góp phần trong công cuộc phát triển y tế chuyên sâu, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, vì thế ngành y tế cần không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt nhu cầu ấy. Đặc biệt cần bám sát phương châm hành động, ghi nhớ những điều Bác Hồ gửi gắm để phát triển ngành y tế nước nhà.

Nói về phát triển ngành y tế, mô hình viện - trường là rất cần thiết. Mô hình này là sự kết hợp hoàn hảo trong đào tạo các khối ngành sức khỏe. Nó không chỉ tạo điều kiện cần thiết cho các trường y trong công tác đào tạo, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân của các BV thực hành (BV ĐH).

Chính vì thế trường y mà không có BV ĐH như chim chỉ có một cánh. Các trường y cần phối hợp với các BV tạo thành mạng lưới viện - trường, từng bước xây dựng các BV ĐH đúng nghĩa.

Ngoài ra, trong chăm sóc ban đầu cho người dân, mạng lưới bác sĩ gia đình cũng rất quan trọng. Bác sĩ gia đình là bạn của mỗi người, mỗi nhà. Họ trực tiếp, tiên phong đem lại năng lực sức khỏe cho từng người, giúp mỗi cá nhân có hiểu biết về y tế, từ đó có quyết định đúng đắn cho sức khỏe của mình và truyền tải cho người xung quanh.

Nếu không có mạng lưới bác sĩ gia đình sẽ khó thể giải quyết quá tải cho các BV. BV quá tải sẽ không đảm bảo chất lượng, bác sĩ không đủ thời gian nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ chuyên môn.

Ngành y cần xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình mà trạm y tế là trung tâm điều phối, giúp các bác sĩ gia đình thực hiện đúng pháp luật hành nghề, được đào tạo liên tục. Các BV và bác sĩ gia đình liên kết với trạm y tế tạo thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe, là nền tảng xây dựng hệ thống y tế vững chắc “chất lượng - hiệu quả - hiệu năng”.

Bên cạnh đó, một trong những bước ngoặt giúp tạo điều kiện phát triển y tế hiện nay là chuyển đổi số y tế. Nếu chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách thông minh và làm chủ sẽ góp phần xây dựng hệ thống y tế thông minh, từ đó tiến đến xây dựng xã hội thông minh.

BS NGUYỄN THẾ DŨNG, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/duong-den-ky-tich-cua-nganh-y-te-post777747.html