Ðể đất nước trở nên văn minh, an toàn hơn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, trong chiều 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nội dung làm 'nóng' nghị trường là phần tranh luận của các đại biểu về quy định cấm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy vẫn còn không ít ý kiến trái chiều nhưng hầu hết đại biểu đều thống nhất cao với việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất 2 phương án xử lý vi phạm nồng độ cồn, gồm: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (theo khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả loại phương tiện giao thông đường bộ). Thứ 2, quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở”. Với 2 phương án này, thời gian qua đã phát sinh nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội và trong các hội thảo, hội nghị có liên quan. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, cần phải cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tức theo phương án 1. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và quyết định lựa chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe để trình Quốc hội thông qua. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng nồng độ cồn, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản người dân và bảo vệ tuổi thọ của giống nòi Việt Nam.

Được biết, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia, rượu đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và xếp thứ 29 thế giới. Trong thời gian qua, việc lạm dụng bia rượu ở nước ta đã gây ra những hệ lụy khôn lường. Theo Bộ Công an, hơn 50% vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án đều có sử dụng rượu bia. Riêng từ năm 2018-2023, cả nước có 2,74 triệu người phải cấp cứu, điều trị do tai nạn giao thông đường bộ, trong đó có 425.000 trường hợp liên quan đến rượu, bia. Trong quý 1/2024, cả nước xử lý 1.035.240 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, trong đó số vụ liên quan đến nồng độ cồn chiếm hơn 22,23%.

Thực tiễn cho thấy, từ cuối năm 2019, cả nước ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; tiếp đó là các đợt cao điểm về xử lý quyết liệt hành vi vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Nhờ đó, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn được kéo giảm rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên và văn hóa “Đã uống rượu, bia, thì không lái xe” đang từng bước đi vào cuộc sống. Vì vậy, cần tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc. Và qua việc cấm hoàn toàn hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu/hơi thở có nồng độ cồn là một trong những giải pháp căn cơ và có ý nghĩa quyết định đến sự thay đổi văn hóa, hình thành thói quen của nhân dân để xây dựng đất nước trở nên văn minh, an toàn hơn.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157951/de-dat-nuoc-tro-nen-van-minh-an-toan-hon