Ðể học sinh tham gia giao thông an toàn hơn

Theo quy định hiện hành, người điều khiển phương tiện xe gắn máy có dung tích xi lanh từ 50cc trở xuống và xe máy điện sẽ không cần đào tạo và sát hạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người điều khiển các phương tiện này đa phần chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết khi lưu thông trên đường, nguy cơ gây tai nạn cao. Ðây cũng là một trong những 'khoảng trống pháp lý' cần được bổ sung, nhằm từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), nhất là đối với học sinh, vốn là đối tượng chủ yếu sử dụng các loại phương tiện này.

Hiện nay, các loại xe có dung tích xi lanh dưới 50cc (xe máy 50cc) và xe máy điện rất được học sinh ưa chuộng sử dụng, vì chỉ cần biết lái xe là có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà không cần bất kỳ loại giấy tờ nào khác. Ðiều đáng nói ở đây là theo thiết kế, các loại xe này khi lưu thông có tốc độ khá nhanh, điều này đồng nghĩa với việc khi lưu thông trên đường, nguy cơ xảy ra TNGT cũng ngang bằng với các loại xe khác. Thế nên, việc bổ sung thêm quy định đào tạo và sát hạch đối với người điều khiển loại phương tiện này cũng đang là vấn đề mà nhiều người quan tâm, đưa ra ý kiến.

Học sinh là đối tượng thường xuyên sử dụng xe máy 50cc và xe máy điện đến trường, tuy nhiên việc trang bị kỹ năng khi lưu thông trên đường vẫn còn thiếu.

Học sinh là đối tượng thường xuyên sử dụng xe máy 50cc và xe máy điện đến trường, tuy nhiên việc trang bị kỹ năng khi lưu thông trên đường vẫn còn thiếu.

Ông Nguyễn Quốc Trung, ngụ Khóm 8, Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Khi lưu thông trên đường, tôi thường bắt gặp tình trạng nhiều học sinh điều khiển loại xe này chạy rất nhanh khi đi qua các ngã tư, ngã ba, rất nguy hiểm. Theo tôi, cần thiết có quy định đào tạo, sát hạch đối với đối tượng này, bởi đó là những kiến thức rất cơ bản khi điều khiển xe trên đường. Khi được học, các em sẽ hiểu được quy định về tốc độ lưu thông, cách xử lý khi qua các giao lộ... Từ đó điều khiển phương tiện đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác”.

Ðồng quan điểm, thầy Lý Phùng Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (TP Cà Mau), cho rằng: "Cần thiết phải quy định việc có giấy phép lái xe đối với các em từ 16 tuổi trở lên chạy xe 50cc. Ðồng thời, cũng cần kiểm soát chặt hơn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy điện tham gia giao thông".

Thực tế chứng minh, đã có nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh điều khiển xe máy 50cc và xe máy điện. Ngoài những nguyên nhân khách quan, một phần là do khi được trang bị những phương tiện có tốc độ nhanh như xe máy điện, xe máy 50cc, nhưng các em lại thiếu kỹ năng xử lý tình huống, nên rất dễ dẫn đến tai nạn.

Xe máy 50cc và xe máy điện là phương tiện được phụ huynh học sinh trang bị cho con em mình khi đến trường.

Xe máy 50cc và xe máy điện là phương tiện được phụ huynh học sinh trang bị cho con em mình khi đến trường.

Nêu quan điểm, nhiều em cho rằng việc trang bị các kỹ năng, cũng như các kiến thức về an toàn giao thông là rất cần thiết.

Em Lý Ðăng Khương, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phan Bội Châu, chia sẻ: “Em thấy người đi xe điện, xe máy 50cc cũng nên thi bằng lái, vì trong quá trình thi bằng lái, được rèn luyện cách chạy và học luật giao thông, để khi chạy không vi phạm luật giao thông, nhất là không gây tai nạn".

Theo các chuyên gia về giao thông, mặc dù xe máy 50cc và xe máy điện tốc độ không cao như các loại xe máy khác, nhưng với mật độ giao thông như hiện nay, việc điều khiển phương tiện này mà thiếu kỹ năng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Do đó, khi đề xuất sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với các loại xe này cũng cần phải có những nghiên cứu kỹ càng, cụ thể, vừa đảm bảo đào tạo phù hợp với lứa tuổi người điều khiển (nhất là với học sinh), vừa đảm bảo an toàn giao thông./.

Lê Chí

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-e-hoc-sinh-tham-gia-giao-thong-an-toan-hon-a32195.html