El Salvador loay hoay trong cuộc chiến chống băng đảng

Tối 14/10 (giờ địa phương), Quốc hội El Salvador đã thông qua đợt gia hạn tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với bạo lực băng đảng tại quốc gia này. Đây là lần gia hạn thứ 7 kể từ khi quốc gia này ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 27/3 năm nay, cho thấy El Salvador vẫn loay hoay trong cuộc chiến chống băng đảng.

Chiến dịch cú đấm thép

Ngày 28/3/2022, cơ quan chức năng El Salvador đã tiến hành một chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vào thành viên của các băng nhóm tội phạm, trong bối cảnh làn sóng bạo lực leo thang khiến hàng chục người thiệt mạng. Cục Cảnh sát dân sự quốc gia cũng tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc chiến chống lại các tổ chức tội phạm và kiên quyết đưa những kẻ phạm tội ra xét xử.

Tổng thống Bukele được kỳ vọng có thể chấm dứt tình trạng bạo lực tại El Salvador

Tổng thống Bukele được kỳ vọng có thể chấm dứt tình trạng bạo lực tại El Salvador

Chỉ một ngày sau khi phát động chiến dịch được xem như “cú đấm thép” truy quét nhằm vào các băng nhóm tội phạm, lực lượng cảnh sát và quân đội El Salvador đã bắt giữ 576 đối tượng, chủ yếu là thành viên của “tập đoàn” tội phạm MS13 và Barrio 18 - hai băng nhóm khét tiếng nhất quốc gia này. Ngoài ra, một số tội phạm của các băng đảng hoạt động buôn lậu ma túy và bắt cóc tống tiền khác cũng bị bắt giữ.

Sau khi chiến dịch trấn áp tội phạm được triển khai, trên mạng xã hội Twitter, tài khoản của Cục Cảnh sát dân sự quốc gia El Salvador đã đăng tải nội dung cho biết, đang tập trung nỗ lực vào cuộc chiến chống lại các băng đảng được tiến hành ở cấp quốc gia. “Chúng tôi sẽ truy bắt những tên tội phạm gây ra đau khổ cho người dân El Salvador. Chúng tôi sẽ không để tội ác của chúng không bị trừng phạt”, một đại diện của lực lượng này nhấn mạnh.

Ngày 27/3/2022, Quốc hội El Salvador đã quyết định phê chuẩn yêu cầu của Tổng thống Nayib Bukele về việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 30 ngày. Động thái nói trên được đưa ra sau khi lần lượt 14 và 62 người bị giết vào ngày 25 và 26/3. Ngày 26/3/2022 được ghi nhận là ngày bạo lực nhất mà đất nước này chứng kiến trong vòng 20 năm trở lại đây. Tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm hạn chế các hoạt động tụ tập tự do, quyền bất khả xâm phạm về thư từ, truyền thông, đồng thời cho phép cơ quan chức năng thực hiện các vụ bắt giữ mà không cần lệnh của tòa án.

Cảnh sát El Salvador cố gắng duy trì an ninh

Cảnh sát El Salvador cố gắng duy trì an ninh

Trong thông báo sau cuộc họp của các nghị sĩ, Chủ tịch Quốc hội El Salvador Ernesto Castro nêu rõ, sắc lệnh được phần lớn nghị sĩ thông qua đã “ban bố một chế độ khẩn cấp trên toàn lãnh thổ quốc gia, bắt nguồn từ những bất ổn nghiêm trọng mà các nhóm tội phạm gây ra đối với trật tự công cộng”.

Theo AP, tình hình bạo lực gia tăng đã khiến Tổng thống Nayib Bukele phải tổ chức cuộc họp khẩn với các lãnh đạo an ninh. Trong cuộc họp này, ông Bukele đã đề nghị Quốc hội có hành động mạnh mẽ và nhanh chóng để hỗ trợ cơ quan hành pháp thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. Ông nhấn mạnh, các lực lượng bảo vệ pháp luật phải được thực thi nhiệm vụ của mình, bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân và xã hội.

Trong một bài phát biểu, Tổng thống Bukele cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến tình trạng giết người tăng lên nhanh chóng. Đó là điều chống lại những gì chúng ta đã cố gắng làm thời gian trước đây. Vừa phải chống lại tình trạng tội phạm đường phố, chúng ta vẫn đang tìm cách giải mã những gì đang xảy ra và những kẻ chịu trách nhiệm cho tình trạng này”. Ông Bukele cho rằng, tình trạng tham nhũng trong ngành tư pháp khiến tội phạm ngày càng lộng hành. Do đó, ông yêu cầu ngành tư pháp phải xét xử một cách nghiêm minh, có hiệu quả đối với những tên tội phạm bị bắt giữ.

Đắc cử Tổng thống năm 2019, ông Bukele nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân với những cam kết chống lại tội phạm có tổ chức và cải thiện tình hình an ninh, trong bối cảnh bạo lực lan tràn tại quốc gia Trung Mỹ này. Trong hai năm qua, số vụ giết người ở El Salvador đã giảm mạnh với 2.985 vụ, thấp hơn rất nhiều so các con số 8.316 và 11.825 trong hai năm đầu cầm quyền của các cựu Tổng thống Mauricio Funes (2009-2014) và Salvador Sánchez Cerén (2014-2019).

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, các vụ giết người đã làm dấy lên lo ngại về làn sóng bạo lực mới tại El Salvador, buộc nhà chức trách phải đặc biệt cẩn trọng, không được phép lơ là các biện pháp bảo đảm an ninh.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Băng đảng lộng hành, bạo lực đã trở thành vấn đề quốc gia của El Salvador từ nhiều năm qua. Quốc gia này đã hứng chịu cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài hơn một thập kỉ vào những năm 80. Lịch sử đất nước này đi cùng sự phát triển của văn hóa băng đảng, nơi tống tiền và giết người đã trở thành việc bình thường.

Những nhà tù ở El Salvador đang chật kín các tù nhân là thành viên các băng đảng

Những nhà tù ở El Salvador đang chật kín các tù nhân là thành viên các băng đảng

Sau khi cuộc nội chiến tại El Salvador kết thúc năm 1992, chính sách nhập cư của Hoa Kỳ được thắt chặt hơn và những người di cư bị kết án phạm tội đã bị trả trở lại El Salvador, mang văn hóa băng đảng và bạo lực tới một đất nước vốn đã gặp nhiều khó khăn. Thông qua tuyển chọn, tống tiền và ép buộc, các băng đảng tiếp tục gia tăng về số lượng và sức ảnh hưởng, nắm giữ quyền kiểm soát lớn hơn bao giờ hết đối với đất nước này.

Những cuộc chiến đã chia rẽ các gia đình, khiến việc di chuyển trở nên bất khả thi và làm tê liệt chính quyền. Mất tích trở nên phổ biến (số người biến mất không được tính vào thống kê người bị giết, khiến người ta đánh giá sai về mức độ bạo lực) và người dân được khuyên là không nên báo cảnh sát khi tai mắt và mật thám ở khắp nơi. Nếu phát hiện ra thi thể, việc chôn cất sẽ được tổ chức càng nhanh càng tốt, đám tang sẽ diễn ra lặng lẽ bởi vì họ thường sẽ là mục tiêu tiếp theo bị giết.

Không dễ gì truy quét các băng đảng ở El Salvador, băng đảng Mara Salvatrucha 13 (MS-13) và Barrio 18 (La 18) có ít nhất 60.000 thành viên hoạt động. Con số này đông hơn số lượng 52.000 sĩ quan cảnh sát, bán quân sự và quân đội.

Cảnh sát luôn cảnh giác cao độ và trùm khăn trùm đầu để bảo vệ danh tính, nhưng những cuộc tấn công nhắm vào họ vẫn thường xuyên diễn ra. Lòng tin tan vỡ đã biến những tình huống chính trị, xã hội trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng là lý do giải thích tại sao rất nhiều người El Salvador chỉ còn cách duy nhất là nhập cư, thường là tới Mexico và Mỹ. Một đoàn người lữ hành lớn hiện đang ở biên giới phía Nam của Mỹ, tại Tijuana, Mexico, phần lớn họ là những người chạy trốn khỏi bạo lực băng đảng tại El Salvador và Honduras.

Độ hiệu quả của chiến dịch truy quét tội phạm tại El Salvador vẫn mang nhiều dấu hỏi.

Độ hiệu quả của chiến dịch truy quét tội phạm tại El Salvador vẫn mang nhiều dấu hỏi.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp và An ninh El Salvador, đã có tổng cộng 50.272 “đối tượng khủng bố thuộc các băng nhóm” bị bắt trong khuôn khổ chiến dịch mang tên “Cuộc chiến chống băng nhóm” do Tổng thống Nayib Bukele phát động. Trong số này, hơn 34.560 đối tượng là “thành viên hoặc có liên quan” với băng nhóm Mara Salvatrucha (MS13), hơn 8.860 người có liên quan tổ chức Barrio 18, số còn lại thuộc về các băng nhóm tội phạm khác. Cũng trong khuôn khổ chiến dịch nói trên, nhà chức trách còn thu giữ 1.322 khẩu súng, 1.582 phương tiện và hơn 1,1 triệu USD.

Nhiều người dân tại El Salvador đã vui mừng trước những cuộc tấn công vào một số băng nhóm. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ tín nhiệm ông Bukele thậm chí còn cao hơn khi tình trạng khẩn cấp bắt đầu. Tuy nhiên, cuộc trấn áp đã là một cơn ác mộng đối với hàng trăm phụ nữ đang tuyệt vọng tìm kiếm thông tin về những người thân bị bắt vì những cáo buộc mập mờ.

Việc bắt giữ rầm rộ kèm đe dọa chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Quá trình cực đoan hóa việc bỏ tù những tội danh không bạo lực đã khiến người El Salvador trở nên hung hãn và chuyển sang dùng bạo lực. Họ thiết lập các phương pháp và mạng lưới riêng. Chẳng hạn Penal de Ciudad Barrios hiện là nhà tù do MS-13 điều hành. Nhà tù này không hề có quản giáo ở bên trong. Thay vì thế, quân đội sẽ canh chừng bên ngoài. Nhà tù đã rơi vào tay băng MS-13 vì hai lý do: Thành viên băng này không thể ở chung với các băng khác, bởi chúng sẽ giết sạch các băng còn lại. Thứ hai là vì bên trong nhà tù đã trở thành một nơi quá nguy hiểm với các quản giáo.

Chính quyền ông Bukele và nhiều người đã ủng hộ điều họ gọi là một cuộc tấn công cần thiết nhằm vào “những kẻ khủng bố” nguy hiểm. Tuy nhiên, Johnny Wright Sol, một trong số ít chính trị gia đối lập trong quốc hội, lo ngại cuộc trấn áp này có thể gây ra thảm họa cho con người, mang đến bạo lực và bệnh tật cho các nhà tù và khiến các gia đình nghèo chìm trong cảnh tù túng. “Điều này có thể nhanh chóng xoáy vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo rất nghiêm trọng”, ông nói.

Đỗ Tiến (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/el-salvador-loay-hoay-trong-cuoc-chien-chong-bang-dang-i671637/