'Em theo đoàn lưu dân', từ thơ đến nhạc

Anh Phạm Hòa Việt là cựu học sinh Trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị (1962-1969), cựu sinh viên Trường Đại học Văn khoa Huế. Anh đã từng kinh qua các chức vụ khác nhau như Phó Hiệu trưởng các trường PTCS Hải Thọ, Hải Ba, Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng); Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai; là nhà thơ của Non mai sông Hãn quê nhà (Tuyển tập thơ - văn Quảng Trị thế kỷ XX, Nhà xuất bản Sở Văn hóa Thông tin, 1999, trang 650-654).

 Vợ chồng anh Phạm Hòa Việt và chị Trần Thị Dần -Ảnh: T.L

Vợ chồng anh Phạm Hòa Việt và chị Trần Thị Dần -Ảnh: T.L

Anh Việt là người hiền hòa, vui vẻ. Quê của anh ở làng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ (có lẽ vì thế mà một trong những người con của anh có tên là Thiên Thạch chăng). Anh lập nghiệp, xây dựng tổ ấm ở Đồng Nai và xem đây như quê hương thứ 2 của mình. Anh có một gia đình hạnh phúc, phu nhân là Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Thị Dần. Phạm Hòa Việt có nhiều bạn quý mến (có thể là bạn vong niên), có nhiều bạn cùng yêu văn chương và đã nhiều lần xướng họa thơ cùng bằng hữu: Nguyễn Linh Đàn, Võ Văn Hoa…

Trang thơ anh đắm đuối nỗi nhớ quê nhà. Anh mất ngày 26/2/2020 tại Biên Hòa, sau khi sáng tác bài thơ “Ngày đầu năm” tặng Xuân mới 2020 không lâu: “Chiều nay nghe lại dòng thơ cũ/Và tiếng hát “Về đây nghe em”/Nhớ bạn thân thương lòng vương vấn/Nhớ cảnh quê nhà xuân dịu êm”. Trong bài thơ “Về làng cũ chiều nay”, nỗi niềm tha thiết ấy đậu trên hàng tre vàng, bên đường cỏ may, bên vườn cây sai quả ngọt ngào, nghe cả tiếng chim sâu hót, bên kho báu cổ trưng bày. Riêng khổ thơ thứ 4, nỗi nhớ ấy chảy về miền ký ức: “Sân phơi lúa trải dày/Trường Nguyễn Hoàng xa vắng/Áo trắng tan trong nắng/Một thoáng chiều ngất ngây”.

Bài thơ thể tự do tựa Không đề, có thể phần nào lý giải bóng hình áo trắng trong thơ anh: “Thôi đừng buồn/ đừng khóc nghe em/cho anh lắng nghe mưa rơi tháng Chạp/để chải tóc dài qua ngõ nhớ thương/ Nhớ/đừng buồn/đừng khóc/nghe em/Anh đã xót xa/trong ánh sáng chìm/Sớm mai/chim rừng về muộn/buổi sáng buổi chiều buổi tối mưa bay/ Anh vẫn còn nghe/từng cơn nắng vội/Gói tim sâu/qua bóng mạ dày…/Thôi đừng buồn/đừng khóc nghe em/cho anh lắng nghe mưa rơi tháng Chạp/Dành ngõ bướm vàng tìm lại mùa xuân/Nhớ đừng buồn/đừng khóc nghe em/ước mơ/cơn mưa thật dày/ước mơ/em tôi ngủ say/ anh của em đây”. Điệp khúc mong em đừng buồn, mong tìm lại mùa xuân trong bài thơ có gì đó thật thiết tha, thật mặn mà dành cho quê hương yêu dấu. Và cũng có thể góp chút khói sương huyền ảo cho bài thơ được nhiều người phổ nhạc và khiến anh trở thành người Quảng Trị tiên phong đi theo đoàn lưu dân.

Bài thơ “Em theo đoàn lưu dân” của Phạm Hòa Việt được nhiều người biết đến. Cho tới lúc này đã có ba nhạc sĩ tri kỷ tri âm phổ nhạc, trong đó nhạc sĩ Trần Quang Lộc là người đầu tiên. Đến nhạc sĩ Nhật Ngân phổ thơ thành nhạc phẩm “Bao giờ gặp lại em” và nhạc sĩ Phú Yên phổ thơ thành ca khúc “Em bé lưu dân”. Bài thơ khá dài nên mỗi nhạc sĩ có cách nương theo ý thơ để cùng chuyển tải thông điệp thẩm mỹ và lan tỏa bài thơ theo giai điệu của riêng mình.

Bài thơ như câu chuyện kể nhẹ nhàng bằng thể thơ 5 chữ với ba phiên đoạn nối nhau: “Ta theo đoàn lưu dân/Khi mùa xuân vừa ngủ/Khi mùa mưa lại về…”, là theo em từ dòng sông đá đổ mồ hôi ra đi: “Giữa hai bờ sông Thạch/Ta còn lại sau lưng/Mùi hương quen của đất…”. Ta và em như song hành nên “Em theo đoàn lưu dân” trở thành điệp khúc: “Em theo đoàn lưu dân/Vai son sờn cẩm tú…/Em theo đoàn lưu dân/Tóc nghiêng nghiêng sợi đổ/Bàn tay gầy ngón khổ/Ngập ngừng chân bước chân…/ Em theo đoàn lưu dân/Ta bên trời sóng dạt/ Đường chông gai cách mặt/Rừng mưa lạnh đá ghềnh/Em theo đoàn lưu dân/Bỏ ruộng nương hương lúa/Sắn khoai ngày nghèo khó/Cà xanh rau lá đỏ/Miếng ngọt chiều phai hương/Miếng chua chiều lá cọ…/Em theo đoàn lưu dân/Cũng nhọc nhằn tuổi mộng/Bới gì trong đất xanh/ Uống gì trong thác xanh/Tay em còn mềm mại/ Làm sao ươm trái xanh…”. Có lúc ta và em hòa trong nhau và hòa trong đoàn người lưu lạc: “Lưu dân! Đoàn lưu dân!/Mưa vẫn nằm đất lạ/ Hai bàn tay trống không/Bới gì trong sỏi đá/ Cho ngày tháng đơm bông/Cho môi em thêm hồng…”. Kết của bài thơ là cầu xin, là mong ước: “Để ngày mai còn thấy/Nụ cười em rất xinh/ Nụ cười em rất tình…”.

Mong ước ấy thật lãng mạn, thật đáng yêu và thật thanh bình... Cảm ơn nhà thơ Phạm Hòa Việt đã nhắc nhớ chúng ta rằng khát vọng hòa bình là mầm xanh mà mỗi người cần chăm sóc hằng ngày cho thành cây, thành rừng…

Võ Thị Quỳnh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=171232&title=%E2%80%9Cem-theo-doan-luu-dan%E2%80%9D-tu-tho-den-nhac