EU điều chỉnh chiến lược để ứng phó với Covid-19

Nhiều vấn đề mang tính chiến lược chung đã được lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thảo luận và đi đến thống nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến kéo dài 2 ngày vừa kết thúc. Trọng tâm xoay quanh các giải pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, đặc biệt là việc cải thiện khả năng phối hợp giữa các quốc gia thành viên.

Trong chương trình nghị sự của hội nghị, vấn đề chi phối bao trùm là làm thế nào để giúp chấm dứt đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho hay ưu tiên vẫn là tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn EU, trong đó tập trung vào quá trình cấp phép cũng như sản xuất và phân phối vắc xin.

 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu từ Brussels (Bỉ)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu từ Brussels (Bỉ)

Ông Michel nhấn mạnh rằng vấn đề trong cung ứng vắc xin là có thể dự đoán được và các công ty dược phẩm tôn trọng các cam kết của họ. Chủ đề này sẽ được thảo luận song song tại Nghị viện châu Âu.

Lãnh đạo 27 nước đang xem xét một đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc thành lập vào năm 2023 một cơ quan mới, tương đương với Cơ quan nghiên cứu và phát triển nâng cao trong y sinh (BARDA) ở Mỹ, được gọi là Cơ quan ứng phó khẩn cấp y tế (HERA). Cơ quan mới này sẽ "giúp các nhà sản xuất phát triển vắc xin chống lại các biến thể". Các lãnh đạo EU cảnh báo rằng các hạn chế chặt chẽ trong đi lại vẫn phải duy trì trong bối cảnh khối này đang nỗ lực để đưa chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 vào đúng quỹ đạo. Các lãnh đạo EU thừa nhận sẽ mất vài tháng chứ không phải vài tuần, để bảo đảm đủ nguồn cung vắc xin.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi mà các nhà lãnh đạo của EU phải nỗ lực giải quyết là chứng nhận kỹ thuật số cho những người đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia tin rằng một kế hoạch như vậy có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho ngành hàng không, du lịch và giúp tránh lặp lại tổn thất như mùa du lịch hè năm ngoái.

Tuy nhiên, các nước khác còn chần chừ trước lo ngại về vấn đề phân biệt đối xử và nguy cơ những người đã được tiêm chủng vẫn mang vi rút. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, đã có sự đồng thuận giữa các nước về việc áp dụng “hộ chiếu” vắc xin, song vẫn chưa rõ “giấy thông hành” này nên được sử dụng như thế nào. Tuyên bố chung của hội nghị kêu gọi xem xét và nghiên cứu một cách tiếp cận chung về “hộ chiếu” vắc xin và sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Michel khẳng định, các quốc gia vẫn cần áp dụng biện pháp hạn chế hoạt động đi lại để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo EU nhất trí cho rằng, tình hình dịch tễ học còn nghiêm trọng và các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 đang đặt ra nhiều thách thức mới; cần duy trì các hạn chế song song với việc đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy cung cấp vắc xin. Tuy vậy, EC đang lên các phương án phối hợp nhằm nới lỏng một số hạn chế ở biên giới giữa các quốc gia EU, bởi việc đưa ra những hành động đơn phương có nguy cơ làm gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trên thị trường.

Mặc dù cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, song các nhà lãnh đạo EU cho rằng đã đến lúc bắt đầu củng cố nền tảng sức khỏe của người dân, cải thiện khả năng phối hợp để bảo đảm ứng phó tốt hơn cho các tình huống khẩn cấp về y tế. Hội nghị của các nhà lãnh đạo châu Âu đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các mối đe dọa về sức khỏe cả ở hiện tại và trong tương lai.

Hoài An (t.h)

552

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/eu-dieu-chinh-chien-luoc-de-ung-pho-voi-covid-19-84901.html