EU phạt Ba Lan 1 triệu euro mỗi ngày vì cải cách tư pháp

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã yêu cầu Ba Lan nộp phạt 1 triệu euro (1,2 triệu USD) mỗi ngày vào thứ Tư (27/10) vì quyết định bỏ qua phán quyết của EU về cải cách tư pháp của Warsaw.

Tòa án hàng đầu của EU đã đưa ra hình phạt vì Ba Lan đã không đình chỉ phòng kỷ luật của Tòa án tối cao của họ, nơi mà các nhà phê bình cho rằng phòng này được phép sa thải các thẩm phán vì lý do chính trị.

Tòa án hàng đầu của Liên minh Châu Âu phán quyết vào tháng 7 rằng phòng kỷ luật mới của Tòa án Tối cao Ba Lan không đảm bảo tính công bằng - Ảnh: Reuters

Vào tháng 7, ECJ đã ra phán quyết rằng phòng kỷ luật không đảm bảo tính công bằng trong tư pháp và ra lệnh đình chỉ hoạt động.

ECJ cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư rằng khoản tiền phạt là "cần thiết để tránh gây tổn hại nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với trật tự pháp lý của Liên minh châu Âu và các giá trị mà Liên minh đó được thành lập, đặc biệt là pháp quyền".

Ủy ban châu Âu đã yêu cầu áp dụng "các hình phạt tài chính" vào ngày 9/9 sau khi Ba Lan không tuân thủ phán quyết vào tháng Bảy.

Các quốc gia EU khác đã khẳng định rằng Ba Lan không được phép thu các khoản trợ cấp của EU trong khi coi thường các nguyên tắc của khối.

"Bạn không thể bỏ túi tất cả tiền nhưng từ chối các giá trị", Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết hôm thứ Tư (27/10) và nói thêm Ba Lan không thể đối xử với EU như "một cỗ máy rút tiền".

Trên Twitter, Thứ trưởng Tư pháp Ba Lan Sebastian Kaleta gọi khoản tiền phạt là "hành vi chiếm đoạt và tống tiền".

Radoslaw Fogiel, người phát ngôn của đảng cầm quyền cánh hữu, tuyên bố rằng Ba Lan đóng góp cho khối nhiều hơn những gì họ nhận được. Tuy nhiên, số liệu của EU cho thấy Warsaw là nước nhận ròng 12 tỷ euro mỗi năm.

EU có thể cắt quỹ nếu Warsaw từ chối thanh toán

Nghị sĩ Radoslaw Sikorski, người phản đối lập trường của chính phủ hiện tại, nói rằng việc Ba Lan từ chối trả tiền phạt là điều không thật sự quan trọng. "Ba Lan không cần phải trả tiền, ủy ban sẽ chỉ trích tiền từ các quỹ chuyển đến Ba Lan", ông nói.

Ông cũng bác bỏ cáo buộc tống tiền của các nhà lập pháp Ba Lan, nói rằng "mọi tổ chức quốc tế đều có một số quy tắc" có thể bị trừng phạt nếu vi phạm.

Về việc Ba Lan sẽ tiến hành như thế nào bây giờ, Sikorski nói: "Tôi hy vọng Ba Lan sẽ thực hiện các phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu, không có cách nào khác”.

Cựu Bộ trưởng Ba Lan tiếp tục nói rằng trong khi vẫn còn dư địa để tranh luận về mối quan hệ giữa EU và các tòa án quốc gia, "vấn đề ở đây là đảng cầm quyền ở Ba Lan đã khu biệt Tòa án Hiến pháp và họ đang cố gắng khu biệt các tòa án thông thường".

Người Ba Lan phản đối cải cách tư pháp của đất nước ở Warsaw vào năm 2019 - Ảnh: Getty

Ba Lan và cơ quan tư pháp

Phòng kỷ luật của Tòa án Tối cao Ba Lan được thành lập vào năm 2018 bởi Luật bảo thủ và Công lý (PiS) và có thể cách chức các thẩm phán và công tố viên.

ECJ lo ngại điều này có thể bị lạm dụng để đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những người thể hiện sự độc lập không cúi đầu trước ý chí chính trị.

Kể từ đó, phòng này là trung tâm của tranh cãi giữa PiS và EU.

Đầu tháng này, tòa án hiến pháp của Ba Lan đã phán quyết luật Ba Lan thay thế luật của EU khi có xung đột giữa hai bên.

Tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã nói với Nghị viện châu Âu rằng phòng kỷ luật sẽ bị bãi bỏ, nhưng ông không đưa ra mốc thời gian về thời điểm điều đó xảy ra và chưa có dự thảo luật nào được đưa ra.

Ba Lan đã bị cáo buộc tái phạm khi nói đến sự độc lập của cơ quan tư pháp và tự do báo chí của các nước thành viên EU khác.

EU khẳng định Ba Lan đã chính trị hóa ngành tư pháp với việc bố trí các thẩm phán trung thành với Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền.

Nguyễn Hoàng (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/eu-phat-ba-lan-1-trieu-euro-moi-ngay-vi-cai-cach-tu-phap-post163833.html