EU quyết định mua chung vaccine và thuốc kháng virus chống đậu mùa khỉ

Điều phối viên vaccine của Thụy Điển, ông Richard Bergstrom ngày 27/5 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mua chung vaccine và thuốc kháng virus chống bệnh đậu mùa khỉ, đang lây lan tại nhiều nước châu Âu.

Điều phối viên vaccine của Thụy Điển, ông Richard Bergstrom

Theo đó, EU sẽ mua vaccine Imvanex của hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Nauy) và thuốc điều trị Tecovirimat của công ty Siga Technologies (Mỹ).

Mặc dù vậy, ông Bergstrom cho biết EU hiện vẫn chưa ký hợp đồng với hai công ty trên, nhưng trong một tuần tới sẽ phải có hợp đồng, và việc giao hàng sẽ diễn ra trong tháng 6.

Imvanex là vaccine phòng bệnh đậu mùa, có liên quan rất gần với bệnh đậu mùa khỉ. Vaccine này đã được Mỹ cấp phép sử dụng để phòng cả đậu mùa và đậu mùa khỉ. Vaccine này được chỉ định để phòng bệnh đậu mùa thông thường, nhưng cũng chứng tỏ có hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Đây là loại vaccine tiêm 2 liều và mỗi liều cách nhau 4 tuần để đảm bảo khả năng bảo vệ cao nhất. Các chuyên gia y tế cho rằng cần tiêm vaccine ngay cho người vừa tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ để tránh lây nhiễm.

Imvanex là vaccine phòng bệnh đậu mùa, có liên quan rất gần với bệnh đậu mùa khỉ

Còn Tecovirimat là thuốc được chấp thuận đầu tiên đối với bệnh đậu mùa. Tecovirimat đã được nghiên cứu để điều trị bệnh đậu mùa, bệnh thủy đậu, orthopoxvirus và bệnh orthopoxvirus. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt Tecovirimat (dưới dạng TPOXX) vào ngày 13/7/2018 để điều trị bệnh đậu mùa.

Mặc dù số ca mắc đậu mùa khỉ có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, song đây là không phải là virus mới. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ trong số những con khỉ nghiên cứu vào năm 1958 và đến năm 1970, mới ghi nhận các ca nhiễm ở người tại CHDC Congo. Căn bệnh này sau đó tập trung tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi như Cameroon, CH Trung Phi, Gabon, Liberia, Nigeria, và Sierra Leone. Ngoài ra, có một số ít trường hợp tại Israel, Singapore, Anh và Mỹ.

Tecovirimat đã chứng minh nhiều kết quả hứa hẹn trong việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho đến nay.

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Virus có thể lây lan qua bất kỳ hình thức tiếp xúc da kề da nào với người bị bệnh có tổn thương. Bệnh cũng có thể lây lan qua dịch tiết ra từ cơ thể, ga trải giường và quần áo bị nhiễm virus, hoặc các giọt bắn nếu một người có các nốt tổn thương ở miệng. Nhìn chung, bệnh đậu mùa khỉ dễ nhận biết nhất thông qua những thay đổi trên da, bắt đầu bằng những tổn thương màu đỏ, trải qua các giai đoạn khác nhau và cuối cùng đóng vảy sau khi giai đoạn ủ bệnh của virus kết thúc. Các triệu chứng phổ biến của bệnh là nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp và kiệt sức.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan sang Bắc Mỹ và châu Âu trong những tuần gần đây, làm bùng phát dịch bệnh ở các quốc gia bên ngoài Trung và Tây Phi, nơi virus gây bệnh này lưu hành ở mức độ thấp trong 4 thập niên qua. Trong đó, chủng virus ở Tây Phi đang là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát bệnh này hiện nay. Chủng này gây bệnh nhẹ và hầu hết các bệnh nhân sẽ hồi phục sau vài tuần.

Ngày 26/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới, kêu gọi các nước tăng cường giám sát dịch bệnh.

Bệnh đậu mùa khi đã lan rộng ra 20 quốc gia.

Trao đổi với báo giới, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết khoảng 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Bà cho biết sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo khi việc giám sát mở rộng, song lưu ý sự lây lan căn bệnh này có thể kiểm soát được.

Cùng ngày, Giám đốc CDC của Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết một số bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này đã không đi đến các quốc gia có dịch đang bùng phát, điều này cho thấy rằng virus đang lây lan trong nước. CDC đang tiến hành truy vết tiếp xúc nhằm nỗ lực phá vỡ các chuỗi lây truyền ở Mỹ.

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/eu-quyet-dinh-mua-chung-vaccine-va-thuoc-khang-virus-chong-dau-mua-khi-208128.html