EVFTA còn nhiều tiềm năng chờ khai mở

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Đến nay, sau hai năm thực thi, EVFTA đã mang lại những hiệu quả ban đầu, gia tăng thêm sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam, tạo động lực cho cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lạm phát gia tăng ở EU khiến tổng cầu hàng hóa có những dấu hiệu sụt giảm, xu hướng mất giá của đồng euro cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đòi hỏi cần có những giải pháp để vượt qua khó khăn trước mắt.

Nhiều ngành hàng tận dụng tốt cơ hội

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Liên minh châu Âu (EU) rất lớn, hơn 50 tỷ USD/năm. Chính vì vậy, trong đàm phán EVFTA, thủy sản là một trong những mặt hàng được quan tâm nhất. Cam kết trong EVFTA cho thấy, đối với ngành hàng thủy sản, khi hiệp định có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay khoảng 50% số dòng thuế, trong đó, phần lớn các sản phẩm có mức thuế cao được xóa bỏ về 0% như: Hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh...; khoảng 50% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Điều này góp phần quan trọng tăng cao sức cạnh tranh về giá của thủy sản Việt Nam so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

Với tấm vé thông hành từ EVFTA, năm 2021, xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm đạt 688 triệu USD, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2021. Không chỉ thủy sản, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi, điển hình như gạo, cà phê, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Những nỗ lực của các ngành hàng, DN cho thấy, sau hai năm thực thi EVFTA, bức tranh thương mại của Việt Nam sang EU tăng trưởng lạc quan. Năm 2021, dù đối mặt với những khó khăn của đại dịch Covid-19, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam XK sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2%; 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sang EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, năm 2021, KNXK của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như gạo (100%), giày dép (98,02%), thủy sản (76,9%), nhựa và sản phẩm nhựa (70,63%); 6 tháng năm 2022 cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Nam Định. Ảnh: QUANG NAM

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Nam Định. Ảnh: QUANG NAM

Đánh giá về kết quả hai năm thực thi EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng: "EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Trong 6 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của DN hơn 32%. Với tỷ lệ này, khoảng 1/4 hàng XK của Việt Nam sang EU đã được nhận một số hình thức ưu đãi nhất định theo Hiệp định EVFTA. Đây cũng là một trong những tỷ lệ cao hơn khoảng 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi DN đạt được trong Hiệp định CPTPP".

Trên thực tế, không chỉ đem đến hiệu quả trong lĩnh vực thương mại, dòng vốn đầu tư của EU cũng đang là nguồn lực tạo sự đổi mới, tạo sức bật cho nước ta trong thực hiện chủ trương hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Những áp lực về thực thi EVFTA cũng tạo động lực cho Việt Nam trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo ra động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ quốc gia có lực lượng tay nghề thấp sang tay nghề cao.

Ứng phó với tình trạng đồng euro sụt giá

Cơ hội để DN Việt Nam gia tăng KNXK vào thị trường EU rất lớn. Bởi EU và Việt Nam là những thị trường mang tính bổ sung cho nhau, cơ cấu hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp. Với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người, EU có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn hàng hóa. Đồng thời, ngoài lý do thuế nhập khẩu của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ, cắt giảm theo lộ trình cam kết thì yếu tố quan trọng để hàng hóa của Việt Nam tiến sâu vào thị trường quan trọng này là DN đã dần thích nghi với các cam kết của EVFTA.

Song, đi cùng với những thuận lợi, XK hàng hóa của Việt Nam vào EU cũng đang đối diện với nhiều thách thức. Ngoài việc lạm phát cao ở EU khiến tổng cầu hàng hóa có những dấu hiệu sụt giảm thì xu hướng mất giá trong một năm qua của đồng euro; chính sách thương mại của EU cũng thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi sự tuân theo tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường... đang tác động không nhỏ đến hoạt động của DN. Trước hết, với việc đồng euro mất giá là tín hiệu không tích cực cho hàng hóa XK của Việt Nam vào EU. Đồng euro suy giảm, đồng nghĩa với việc hàng hóa nhập khẩu vào EU trở nên đắt đỏ hơn, từ đó khiến lạm phát thêm trầm trọng và làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam. Với DN giao dịch bằng đồng euro, việc đồng euro mất giá gây ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận, bởi cùng một lượng euro thu về nhưng số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy XK, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ giảm thuế theo lộ trình cam kết của các hiệp định thương mại tự do.

Xuất khẩu sản phẩm thép của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGHI LINH

Xuất khẩu sản phẩm thép của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGHI LINH

Với những thay đổi trong chính sách thương mại của EU, theo ông Lương Hoàng Thái: Hiện nay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, môi trường... Tức là không chỉ yêu cầu đơn thuần về giá cả, chất lượng mà người tiêu dùng EU còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa. Điển hình như trong lĩnh vực dệt may, quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường... Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước yêu cầu này, DN dệt may Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi các dòng sợi sử dụng, đồng thời áp dụng những thiết bị công nghệ phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. Đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm để đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường khó tính bậc nhất thế giới, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam-đơn vị XK nông sản cho rằng, các DN cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến kiểm nghiệm sản phẩm. Không chỉ với sản phẩm XK của mình, DN cần cẩn trọng ngay khi gia công cho các đơn vị khác.

Việc tiếp tục khai thác hiệu quả EVFTA là một trong những yếu tố quan trọng tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch. Để tận dụng hiệu quả hơn EVFTA, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng DN có thể khai thác tốt nhất những quy định đã có.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/evfta-con-nhieu-tiem-nang-cho-khai-mo-701499