EVFTA với Đà Nẵng: Cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào sự chuẩn bị của doanh nghiệp

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được chính thức ký kết vào ngày mai (30/6/2019) tại TP. Hà Nội. Trước thềm sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Công Thương thực hiện ghi nhận các đánh giá, nhận định, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn TP. Đà Nẵng về EVFTA.

Ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là hàng giá trị gia tăng cao được hưởng ưu đãi lớn từ EVFTA

Ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là hàng giá trị gia tăng cao được hưởng ưu đãi lớn từ EVFTA

Ông Nguyễn Hà Bắc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng: Từ khi EVFTA được khởi động, Sở Công Thương Đà Nẵng đã theo sát, cập nhật thông tin về hiệp định. Nhất là từ khi Việt Nam và EU chính thức thống nhất và kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA (tháng 6/2018), Ủy ban Châu Âu chính thức thông qua EVFTA (tháng 10/2018), Sở Công Thương thành phố đã liên tục tổ chức các hội thảo, hội nghị phổ biến thông tin về hiệp định, các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp TP. Đà Nẵng, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tại TP. Đà Nẵng, EU là thị trường chiếm trên 15% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, thủy hải sản – thực phẩm chế biến và đồ gỗ mỹ nghệ sẽ là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của EVFTA. Việc các doanh nghiệp Đà Nẵng nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu của TP. Đà Nẵng nói riêng có tận dụng được cơ hội hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của doanh nghiệp, kế hoạch và sự chuẩn bị của doanh nghiệp trong thời gian qua và sắp tới như thế nào. Ví dụ, các quốc gia thuộc liên minh Châu Âu (EU) rất ưa chuộng các thực phẩm chế biến, nhất là thủy hải sản của Việt Nam. EVFTA có hiệu lực, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này có thể gia tăng xuất khẩu khi biểu thuế giảm dần về 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp có tận dụng được lợi thế này hay không còn tùy vào năng lực của doanh nghiệp đó đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn như dư lượng kháng sinh, nguồn gốc thủy hải sản…..

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng): Cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam qua EU là rất lớn. Nhất là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng mạnh một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Dự báo, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với việc không có hiệp định này.

Với EVFTA, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam so với các quốc gia thành viên trong khối ASEAN là rất lớn. Bởi, trong khối này, ngoài Việt Nam mới chỉ có Singapore kết thúc đàm phán với EU. Trong khi đó, về cơ bản các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam không “va chạm” với thế mạnh của Singapore. Thực thi EVFTA cũng đảm bảo cho môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý của cả Việt Nam và EU có thêm nhiều “điểm chung”, riêng Việt Nam sẽ “chuẩn hóa quốc tế” hơn, hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cả hai bên.

EVFTA chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng, doanh nghiệp miền Trung nói chung gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng cơ hội tiếp cận thị trường, tăng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để tận dụng các cơ hội đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về lộ trình giảm thuế, điều kiện áp dụng EVFTA đối với ngành hàng mà doanh nghiệp mình sản xuất, từ đó, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên liệu để thỏa mãn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi, tìm hiểu và chủ động với các điều khoản chống bán phá giá, phòng vệ thương mại của quốc gia sở tại.

Đối với người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận gần hơn với các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao – thế mạnh của EU như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe….

Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong nước, cần phải chủ động đề xuất những chế tài, những biện pháp bảo vệ sản xuất như phòng vệ thương mại, chống bán phá giá... để bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của EVFTA.

Cần có những hoạt động thông tin, tuyên truyền về EVFTA sau khi hiệp định này được ký kết

Cần có những hoạt động thông tin, tuyên truyền về EVFTA sau khi hiệp định này được ký kết

Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng: Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó EVFTA là hiệp định chất lượng cao và có tính toàn diện nhất (bên cạnh CPTPP). Đây là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập, cọ sát với các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường EU. Tuy nhiên, để các chính sách của EVFTA nói riêng, các FTA khác nói chung đi vào thực tiễn, có hiệu quả, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đà Nẵng nói riêng, miền Trung và cả nước nói chung chắc chắn còn 1 chuỗi các việc phải cải thiện từ nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, quy trình quản lý, có kế hoạch và lộ trình xâm nhập thị trường. Quá trình này có thể phải kéo dài 1-2 năm thậm chí nhiều hơn. Bởi trên thực tế, mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan tâm và có sự chuẩn bị nhất định cho các FTA.

Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa không thực sự chuẩn bị, không khéo các hàng hóa, sản phẩm dịch vụ có thế mạnh của EU như nông sản, chăm sóc sức khỏe tràn qua, doanh nghiệp trong nước sẽ “thua trên sân nhà”.

Hiệp hội mong muốn các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương sẽ tích cực có nhiều hoạt động tuyên truyền thông tin hơn nữa về các FTA, nhất là EVFTA, CPTPP đến với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ thay đổi nhận thức rằng “nếu có bè thì sẽ có cơ hội vươn ra khơi, nếu không ra khơi sẽ bị chìm”, từ đó, doanh nghiệp từng bước thay đổi.

Bên cạnh đó, có các chính sách thiết thực, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận sản xuất kinh doanh sạch, đổi mới công nghệ để đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn của EU.

Các tham tán thương mại tại các quốc gia EU sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thông tin về loại hàng hóa có thế mạnh, hàng hóa được ưa chuộng ở từng quốc gia, các tiêu chí, tiêu chuẩn chung và riêng của mỗi quốc gia để các mặt hàng có thể “bước chân” vào thị trường này.

(Còn nữa)

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evfta-voi-da-nang-co-hoi-hay-thach-thuc-phu-thuoc-vao-su-chuan-bi-cua-doanh-nghiep-121725.html