F-35 'đắp chiếu' 20 ngày ở Ấn Độ: Cơ hội mới cho chiến đấu cơ tàng hình Su-57 của Nga

Một chiếc F-35B của Anh buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Ấn Độ và không thể cất cánh trở lại trong 20 ngày. Sự cố khiến dư luận Ấn Độ chế giễu, phơi bày những nhược điểm của dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 đình đám do Mỹ phát triển.

Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ (trái) và Su-57 của Nga. Ảnh: MW.

Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ (trái) và Su-57 của Nga. Ảnh: MW.

Một chiến đấu cơ F-35B thế hệ thứ năm của Lực lượng Vũ trang Anh buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thiruvananthapuram ở miền Nam Ấn Độ hôm 14/6 đã bị mắc kẹt tại đó suốt 20 ngày, sau khi mọi nỗ lực sửa chữa để máy bay có thể cất cánh trở lại đều thất bại.

Chiếc F-35B buộc phải chuyển hướng đến sân bay này sau khi gặp thời tiết xấu trong một chuyến bay huấn luyện tại Ấn Độ Dương từ tàu sân bay HMS Prince of Wales – vốn có hồ sơ hoạt động nhiều trục trặc kể từ khi được đưa vào biên chế năm 2019. Các hoạt động của tàu ở Ấn Độ Dương được cho là nằm trong sự phối hợp chung của các chiến dịch của phương Tây và Israel vào thời điểm đó, khi sự hiện diện lớn của lực lượng quân sự phương Tây gần lãnh thổ Iran đã góp phần ngăn chặn khả năng Tehran đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ và Israel bằng hành động leo thang.

Đến ngày 3/7, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận rằng họ đã từ bỏ kế hoạch sửa chữa tại chỗ, và đang xem xét phương án tháo rời một phần chiếc F-35 để đưa về Anh bằng máy bay vận tải C-17 Globemaster.

 Máy bay F-35B của Anh tại Sân bay Thiruvananthapuram. Ảnh: MW.

Máy bay F-35B của Anh tại Sân bay Thiruvananthapuram. Ảnh: MW.

Ngay sau khi hạ cánh ở Ấn Độ, phi công điều khiển F-35 ban đầu từ chối rời khỏi máy bay – một quy trình tiêu chuẩn đối với các trường hợp hạ cánh bất ngờ tại quốc gia không liên minh quân sự với phương Tây, do lo ngại rò rỉ công nghệ quân sự tối mật. Nhiều nguồn tin cho rằng Anh đã nhanh chóng liên hệ với phía Ấn Độ để đảm bảo máy bay không bị kiểm tra hoặc phân tích.

Cuối tháng 6, máy bay đã được chuyển vào nhà chứa bảo trì của hãng Air India với sự hỗ trợ của đội kỹ thuật đặc biệt từ Anh.

 Máy bay chiến đấu F-35B của Lực lượng vũ trang Anh trên tàu HMS Prince of Wales. Ảnh: MW.

Máy bay chiến đấu F-35B của Lực lượng vũ trang Anh trên tàu HMS Prince of Wales. Ảnh: MW.

Sự cố đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội và truyền thông Ấn Độ, đồng thời một lần nữa làm nổi bật những điểm yếu về độ tin cậy đã bám theo chương trình F-35 suốt gần hai thập kỷ qua.

Các vấn đề trong bảo trì và vận hành phức tạp khiến F-35B – biến thể cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng – có tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu thấp nhất trong Không quân Mỹ, chỉ đứng sau chiếc F-22 vốn cũng đầy rắc rối.

Đáng chú ý, biến thể F-35B còn có tầm bay ngắn hơn đáng kể so với hai biến thể còn lại là F-35A và F-35C, khiến lựa chọn sân bay hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp bị hạn chế nhiều hơn.

Vụ việc diễn ra ngay sau khi Mỹ đẩy mạnh các nỗ lực tiếp thị chiến đấu cơ F-35 với Ấn Độ hồi tháng 2. Tuy nhiên, từ trước đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã được cho là khó có khả năng mua loại máy bay này, chủ yếu vì những hạn chế rất nghiêm ngặt mà Mỹ áp đặt với những quốc gia sử dụng F-35, đặc biệt là yêu cầu kiểm soát cách sử dụng vũ khí và hệ thống.

Cựu Thống chế Không quân Ấn Độ Anil Chopra từng bình luận hồi tháng 2 rằng New Delhi “vẫn thận trọng trước xu hướng gây sức ép của Mỹ và khả năng Washington bỏ rơi đồng minh khi lợi ích không còn song hành”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc “chọn đối tác đáng tin cậy và không áp đặt áp lực quá mức là điều tối quan trọng”. Ông hàm ý rằng điều này loại trừ F-35 và khiến Su-57 của Nga trở thành lựa chọn khả thi duy nhất nếu Ấn Độ muốn sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 trong thập kỷ tới.

 Nguyên mẫu F-35A và Su-57 tại Aero India 2025. Ảnh: MW.

Nguyên mẫu F-35A và Su-57 tại Aero India 2025. Ảnh: MW.

Mặc dù hệ thống điện tử và khả năng tàng hình của Su-57 kém hơn F-35, chiếc tiêm kích Nga lại có nhiều ưu điểm vượt trội về hiệu năng bay, tầm hoạt động (gấp đôi), tải trọng tên lửa và hệ thống cảm biến mạnh hơn.

Tháng 5 vừa qua, Nga đã bất ngờ đề xuất cung cấp cho Ấn Độ quyền truy cập mã nguồn của Su-57 trong khuôn khổ thỏa thuận sản xuất theo giấy phép, đồng thời sẵn sàng chuyển giao công nghệ hỗ trợ phát triển chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 AMCA của Ấn Độ.

Sự quan tâm của New Delhi đối với Su-57 cũng tăng lên sau khi các chiến đấu cơ Rafale của Pháp, thuộc thế hệ 4+, bị đánh giá có màn thể hiện không ấn tượng trong các vụ đụng độ với Pakistan hồi đầu tháng 5.

Tuy vậy, Ấn Độ vẫn chịu sức ép đáng kể từ Mỹ nhằm giảm dần quan hệ quốc phòng với Nga, đối tác an ninh truyền thống của họ. Dù vậy, New Delhi đã nhiều lần thể hiện lập trường độc lập, từ chối các yêu cầu và đe dọa trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/f-35-dap-chieu-20-ngay-o-an-do-co-hoi-moi-cho-chien-dau-co-tang-hinh-su-57-cua-nga-post187261.html