FIFA có thật sự thắng về Club World Cup?
Gianni Infantino hào hứng gọi Club World Cup là kỷ nguyên vàng mới, nhưng với cầu thủ kiệt sức và người hâm mộ quay lưng, có lẽ ông là người duy nhất tin vào điều đó.

Ngay trước trận chung kết FIFA Club World Cup 2025, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tuyên bố chắc nịch: "Chúng tôi có thể khẳng định giải đấu này là một thành công lớn, lớn, lớn".
Tuyên bố ấy được đưa ra tại Trump Tower - một biểu tượng không chỉ của New York mà còn của phong cách "tự tuyên bố chiến thắng" bất chấp thực tế, vốn gắn liền với cái tên Donald Trump.
Khán đài vắng lặng, khán giả thờ ơ
Thật vậy, không khó để nhận ra Infantino đang đi theo "cẩm nang truyền thông" quen thuộc của ông chủ tòa tháp: lặp đi lặp lại một thông điệp tích cực để tạo cảm giác về sự thật, dù thực tế có thể hoàn toàn trái ngược. Và nếu xét những gì diễn ra xuyên suốt giải đấu, thì dường như "thành công lớn" này chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của người đứng đầu FIFA.
Một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá mức độ thành công của một giải đấu là lượng khán giả. Nhưng ngay từ vòng bảng, Club World Cup chứng kiến hàng loạt trận đấu thi đấu trước khán đài gần như trống rỗng. Trận Ulsan HD gặp Mamelodi Sundowns chỉ thu hút hơn 3.400 khán giả - con số mà nếu là một trận Super Bowl, như cách Infantino ví von, thì đã là thảm họa.
Thậm chí các "ông lớn" châu Âu như Paris Saint-Germain, Bayern Munich, Manchester City, Juventus hay Chelsea cũng thi đấu trong sân vận động với hàng chục nghìn ghế trống. Trận đấu của Atletico Madrid có đến hơn 60.000 chỗ ngồi bỏ trống, còn Inter Milan - á quân Champions League - đá một trận knock-out với chỉ khoảng một phần tư số ghế được lấp đầy.
FIFA dường như quá lạc quan khi tin rằng khán giả Mỹ sẵn sàng bỏ hàng trăm USD để xem mọi trận đấu, bất kể tên tuổi các đội bóng. Vé được tung ra với giá cao, sau đó phải đại hạ giá để vớt vát lượng người xem - nhưng cũng không hiệu quả.

Trận Chelsea gặp Benfica kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ.
Không chỉ có giá vé, nhiều yếu tố tổ chức cũng cho thấy sự thiếu nhạy bén của FIFA với thị trường. Việc lựa chọn thi đấu vào mùa hè, dưới cái nắng gay gắt của nước Mỹ, khiến điều kiện thi đấu trở nên khắc nghiệt. Marc Cucurella và Enzo Fernandez thẳng thắn nói rằng thời tiết không đảm bảo cho cầu thủ, và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chuyên môn.
Một số trận đấu còn bị trì hoãn nhiều giờ do điều kiện thời tiết xấu, như trận Chelsea gặp Benfica kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ. HLV Enzo Maresca sau trận thậm chí gọi giải đấu là một "trò đùa". FIFA cũng bị nghi ngờ cố tình điều chỉnh lịch thi đấu để phục vụ thị trường truyền hình châu Âu - nơi mà, trớ trêu thay, khán giả lại chẳng mấy mặn mà theo dõi giải đấu.
Con số 3 tỷ người xem - thật hay ảo?
Tuyên bố rằng Club World Cup được 3 tỷ người theo dõi có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho cách FIFA "định nghĩa lại thực tại". Không rõ đó là tổng số lượt xem cộng dồn, số người xem cùng lúc, hay chỉ đơn giản là một con số được chọn vì nghe kêu. FIFA không công bố dữ liệu cụ thể cho từng quốc gia, từng trận đấu, và giới quan sát có lý do để nghi ngờ rằng con số này đã được phóng đại.
Cần nhớ rằng không ít đài truyền hình từ chối mua bản quyền, và nhiều trận đấu không được phát sóng trên các kênh phổ biến. Tức là ngay cả trên sóng truyền hình, mức độ phủ sóng của giải đấu cũng rất giới hạn.
Trong khi FIFA tích cực mở rộng giải đấu, kéo dài mùa giải và gia tăng số trận, thì những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - các cầu thủ - lại không có tiếng nói. FifPro, tổ chức đại diện cho cầu thủ toàn cầu, không được mời tham gia các cuộc họp về lịch thi đấu. Họ ví FIFA như “La Mã thời Nero”, bỏ mặc cầu thủ "cháy dưới nắng" trong cái nóng 45 độ C.

Jamal Musiala - tài năng trẻ của Bayern Munich - dính chấn thương ngay tại Club World Cup.
Jamal Musiala - tài năng trẻ của Bayern Munich - dính chấn thương ngay tại Club World Cup. Maresca, người nâng cúp cùng Chelsea, nói rằng điều ông mong chờ nhất sau giải là... được nghỉ ba tuần.
Giải đấu diễn ra đúng vào thời điểm giữa hai mùa giải, khiến các đội bóng không biết nên coi đây là phần cuối mùa cũ, đầu mùa mới hay chỉ là một dịp “làm thương hiệu”. Tính chất nửa vời đó khiến không ít người thắc mắc: có cần thiết phải tổ chức giải đấu này không?
Không phải ai cũng tin là "ý tưởng hay"
Jurgen Klopp từng nhận xét Club World Cup là “ý tưởng tồi tệ nhất từng được thực hiện trong bóng đá”. Ngược lại, những người làm việc cho FIFA - như Arsene Wenger - lại ủng hộ. Nhưng sự đối lập này phần nào phản ánh khoảng cách giữa những người đưa ra quyết định và những người thực sự thi đấu, làm nghề mỗi ngày.
FIFA có thể tạo ra một sân chơi cho các đội từ mọi châu lục, và một số trận đấu cũng có chất lượng chuyên môn cao - như chiến thắng của Al Hilal trước Man City, hay những phút bù giờ gay cấn giữa Real Madrid và Dortmund. Nhưng tổng thể, giải đấu vẫn không thể so sánh với Champions League về sự kịch tính, hấp dẫn và danh giá.
PSG - dù thất bại ở chung kết - vẫn được đánh giá là đội mạnh nhất thế giới. Còn Club World Cup chỉ là một cái kết nhạt nhòa cho hành trình của họ ở mùa giải trước.
FIFA gọi đây là "kỷ nguyên vàng của bóng đá cấp CLB toàn cầu". Nhưng nếu kỷ nguyên ấy bắt đầu bằng một giải đấu mà cầu thủ mệt mỏi, khán giả thờ ơ, khán đài trống rỗng, và truyền hình không mặn mà, thì định nghĩa "vàng" cần được xem lại.
FifPro nói thẳng: “Club World Cup là một viễn tưởng do FIFA dựng lên, thiếu đối thoại, thiếu tôn trọng và thiếu cả sự lắng nghe”. Và có lẽ, chỉ trong logic của Gianni Infantino, viễn tưởng ấy mới trở thành sự thật.
“Thành công lớn, lớn, lớn”? Chỉ là khẩu hiệu rỗng, không phải hiện thực.
Nguồn Znews: https://znews.vn/fifa-co-that-su-thang-ve-club-world-cup-post1569016.html