Futsal Việt Nam cần làm gì để tận dụng nguồn lực phía Bắc?

Nếu tận dụng được tốt hơn nguồn lực từ phía Bắc, futsal Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn, tiến xa hơn ở sân chơi châu lục và thế giới.

Hai kỳ World Cup liên tiếp, tuyển futsal Việt Nam đều ghi dấu ấn bằng những trận đấu xuất sắc. Nhưng đóng góp của các cầu thủ (nhìn ra hơn là của cả phong trào) phía Bắc còn khá khiêm tốn, dù khu vực này không phải không có tiềm năng phát triển.

Nếu tận dụng được tốt hơn nguồn lực từ phía Bắc, futsal Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn, tiến xa hơn ở sân chơi châu lục và thế giới.

Cán cân chênh lệch

Nói đến phong trào futsal, phần đông sẽ nghĩ tới TP.HCM, nơi được coi là trung tâm phát triển của môn bóng đá 5 người (mỗi đội 5 người, cả thủ môn) ở Việt Nam. Tại Hà Nội và miền Bắc nói chung, các sân bóng phong trào cũng nở rộ, nhưng là sân chơi dành cho 7 người (mỗi đội 7 người, cả thủ môn). Điều đó khiến phong trào miền Bắc chưa thể đóng góp nhiều cho đội tuyển futsal Việt Nam.

Trong 10 đội ở vòng chung kết futsal quốc gia 2021, chỉ có Thái Sơn Bắc và Cao Bằng thuộc khu vực phía Bắc. Trong 16 cầu thủ dự Futsal World Cup 2021, chỉ có hai cái tên phía Bắc là Nguyễn Thành Tín và Vũ Đức Tùng, cùng của CLB Thái Sơn Bắc. Thái Sơn Bắc cũng là đội futsal duy nhất của phía Bắc duy trì được hệ thống đào tạo trẻ, đội duy nhất cạnh tranh được với các đại diện trong Nam.

 Nòng cốt tuyển futsal Việt Nam hiện tại là các cầu thủ khu vực phía Nam. Ảnh: Getty.

Nòng cốt tuyển futsal Việt Nam hiện tại là các cầu thủ khu vực phía Nam. Ảnh: Getty.

Cán cân chênh lệch này một phần xuất phát từ định hướng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Ngay từ đầu, Liên đoàn Bóng đá TP.HCM đã được nhắm đến với trọng trách xây dựng bóng đá trong nhà. Điều đó cũng tương đối dễ hiểu bởi phong trào bóng đá sân 5 ở khu vực miền Nam với trung tâm là TP.HCM rất phát triển.

Qua trao đổi, bình luận viên Hồng Hải "Bạc", người gắn bó lâu năm và có uy tín với giới phủi Hà Nội cho biết bóng đá đất Hà thành không phải chưa từng có những đội bóng sân 5 hay chơi futsal. Thậm chí, còn rất nhiều "quái kiệt" xuất thân từ bóng đá phong trào thủ đô.

"Tuy nhiên, cùng với định hướng của VFF, hoạt đông của Liên đoàn Bóng đá Hà Nội cũ không hiệu quả, không thúc đẩy được phong trào. Futsal Hà Nội từng có những đội bóng rất hay, nhiều cầu thủ rất giỏi, nhưng rồi dần mai một và đến nay, hầu hết đã bỏ", BLV Hải "Bạc" nói với Zing.

Theo Trưởng ban Bóng đá Phong trào Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Phạm Ngọc Tuấn, việc phong trào futsal nói riêng và bóng đá sân 5 nói chung không phát triển ở khu vực Hà Nội và lân cận phía bắc đến từ "tính có trước".

"Sân 7 đã hình thành và phát triển, ăn sâu vào tiềm thức người chơi bóng đá ở miền Bắc từ lâu. Sân bãi, các giải đấu, các CLB thi đấu theo hệ thống bóng đá 7 người dần hình thành. Hệ thống chiến thuật, kỹ thuật chơi bóng đá 7 người cũng hình thành và phát triển, tích lũy qua các thế hệ người chơi từ nhiều năm", ông Tuấn nói.

 Nguyễn Bảo Quân, cựu đội trưởng tuyển futsal Việt Nam, thành danh là cầu thủ futsal phía Bắc trước khi Nam tiến. Ảnh: Tùng Lê.

Nguyễn Bảo Quân, cựu đội trưởng tuyển futsal Việt Nam, thành danh là cầu thủ futsal phía Bắc trước khi Nam tiến. Ảnh: Tùng Lê.

Thời vang dội của futsal miền Bắc

Cũng theo chia sẻ của BLV Hải "Bạc", thời kỳ đỉnh cao, futsal Hà Nội có rất nhiều đội bóng đủ sức cạnh tranh với những đại diện miền Nam, nơi vốn được coi là cái nôi của môn bóng đá sân 5.

"Trà Dilmah, S&C, Cường Quốc, Thành Đồng, Bắc Nam... những đội bóng này tập trung toàn cao thủ, quái kiệt của giới phủi Hà Nội. Trong đó, Trà Dilmah hoạt động theo kiểu đá phủi, đủ cả sân 11 và sân 7. Trước giải sân 5 khoảng một tháng, họ mới tập trung, tập luyện", BLV sinh năm 1974 cho biết.

Giai đoạn 2005, giải futsal châu Á tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu sự phát triển bước đầu cho môn bóng đá trong nhà, Trà Dilmah mới là đội bóng gây ấn tượng. Thậm chí, họ còn "Nam tiến" chinh chiến và đánh bại nhiều đội TP.HCM lúc bấy giờ.

Đến 2007, khi giải futsal vô địch quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, Trà Dilmah cũng là đội giành chức vô địch. Đội bóng của ông bầu Hoàng Xuân Hồng khi đó "vô đối" trong nước. Quân "Trà" lên tuyển như cơm bữa. BLV Hải "Bạc" tiết lộ chi tiết thú vị: "Trà Dilmah vô địch năm đó hoàn toàn dựa trên phong cách đá sân 7 chứ không phải chiến thuật 5 người như nhiều đội bóng phía Nam".

Dù vậy, vì nhiều lý do tế nhị, Trà Dilmah rút khỏi sân chơi futsal để tập trung vào phát triển sân 7. CLB Thái Sơn Bắc hiện nay được thành lập nhờ nòng cốt của "Trà" ngày nào. Nổi bật trong lứa chuyển giao ngày đó chính là Nguyễn Bảo Quân, cựu đội trưởng tuyển futsal Việt Nam.

 Phong trào sân 7 với sự tham gia của các cầu thủ chuyên nghiệp đang phát triển cả ở khu vực TP.HCM. Ảnh: SPL.

Phong trào sân 7 với sự tham gia của các cầu thủ chuyên nghiệp đang phát triển cả ở khu vực TP.HCM. Ảnh: SPL.

Làm gì để vực dậy phong trào futsal thủ đô?

Trong danh sách tuyển futsal Việt Nam tham dự Futsal World Cup 2021, Nguyễn Thành Tín là cái tên khá đặc biệt. Anh trưởng thành từ phong trào đá "phủi", sinh hoạt trong Top Group, đội bóng nổi tiếng trong giới "phủi" thủ đô, rồi gia nhập Thái Sơn Bắc để đi theo con đường futsal chuyên nghiệp.

Thực tế, giữa hai loại hình thi đấu này có những điều tương đồng. Trường hợp Trà Dilmah kể trên là ví dụ. BLV Hải "Bạc" chia sẻ: "Luật sân 7 tại Hà Nội đang chủ yếu áp dụng theo futsal chứ không theo luật do VFF ban hành, chẳng hạn như đá biên, thủ môn đưa bóng vào cuộc..."

Câu hỏi đặt ra là liệu futsal nói riêng và bóng đá sân 5 có "cửa" nào để phát triển ở khu vực phía Bắc, như cách bóng đá sân 7 đang dần "lấn" vào miền nam với những giải đấu tranh tài của đại diện hai miền? Theo ông Hải "Bạc", vấn đề nằm ở công tác truyền thông và phát triển theo mô hình đã được chứng minh.

HPL, giải phong trào lớn nhất miền Bắc, đang gây tiếng vang rất lớn. Ông Tuấn là người trực tiếp gây dựng từ những ngày đầu. Trưởng ban Bóng đá Phong trào của VFF cho rằng để có được phong trào như hiện nay là cả quá trình bền bỉ với bước đệm là những quyết định mang tính cách mạng. "Để giải đấu thành công, cần rất nhiều yếu tố như đầu tư chất lượng, sự bền bỉ, tính khoa học trong tổ chức. Bên cạnh đó là hệ thống nhân lực, chuyên môn, truyền thông...", ông nói.

Theo chia sẻ của BLV Hải "Bạc", nhiều cầu thủ "phủi" cứng, nổi tiếng miền Nam được mời ra Hà Nội giao lưu. Họ thích thú mô hình của HPL và lan tỏa cho phong trào địa phương. Từ đó, phong trào sân 7 đang dần lan rộng ra cả nước.

"Đặt vấn đề ngược lại với bóng đá sân 5. Đó có thể là mô hình áp dụng cho bóng đá sân 5. Nếu khu vực miền Nam có hệ thống giải tốt và phát triển ra Hà Nội như cách HPL đã làm, tôi tin là bóng đá sân 5 sẽ có đất phát triển, thậm chí là rất mạnh mẽ. Chúng ta cần sự đầu tư liên tục, tổ chức nhiều giải futsal để vực dậy phong trào", Hải "Bạc" nêu quan điểm.

BLV gắn bó lâu năm với bóng đá phong trào thủ đô nhận định bóng đá sân 5 theo luật thế giới nên cơ hội cho các cầu thủ rất nhiều. "Như hiện tại, đội tuyển futsal Việt Nam mới tận dụng được 40% sức mạnh của các tài năng khi phong trào ở khu vực phía Bắc đang đóng băng", anh nói.

Dưới góc nhìn lãnh đạo, ông Tuấn cho rằng tiềm năng phát triển sân 5 tại Hà Nội là rất lớn. "Vấn đề là chúng ta cần những đơn vị tiên phong, những nhà tổ chức, nhà đầu tư với cái tâm, cái tầm dài hạn cho mục tiêu này. Tuy nhiên, phát triển sân chơi mới ở miền Bắc sẽ khó hơn ở miền Nam do đặc tính độ mở với cái mới khác nhau giữa hai miền. Vì vậy, phát triển futsal tại miền Bắc càng đòi hỏi quyết tâm lớn hơn của nhà tổ chức, nhà đầu tư".

Hành trình của tuyển futsal Việt Nam tại World Cup 2021 Đội trưởng Phạm Đức Hòa, thủ môn Hồ Văn Ý và các đồng đội có kỷ niệm đáng nhớ khi so tài với các đối thủ hàng đầu như Brazil và Nga ở Futsal World Cup 2021.

Đỗ Hải

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/futsal-viet-nam-can-lam-gi-de-tan-dung-nguon-luc-phia-bac-post1267154.html