G20 cam kết hỗ trợ hơn 21 tỉ USD cho cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch bệnh COVID-19, ngày 26/3/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/6, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khẳng định cam kết hỗ trợ hơn 21 tỉ USD cho cuộc chiến đẩy lùi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thông báo mới, G20 nêu rõ nhóm này và một số quốc gia bên ngoài đã phối hợp các nỗ lực quốc tế để hỗ trợ cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19. Tính tới nay, các thành viên G20 và một số nước khác đã cam kết hơn 21 tỉ USD để hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Những cam kết này được triển khai trực tiếp hỗ trợ các hoạt động chẩn đoán, biện pháp chữa trị, các hoạt động nghiên cứu và phát triển vắc-xin.

Ả-rập Xê-út, Chủ tịch luân phiên của G20, cam kết ủng hộ 500 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực chống đại dịch trên toàn cầu. Quốc gia này cho biết sẽ phân bổ 150 triệu USD cho Liên minh ứng phó và đẩy lùi dịch bệnh toàn cầu, 150 triệu USD cho Liên minh vắc-xin và chủng ngừa toàn cầu, và 200 triệu USD cho các tổ chức và chương trình y tế khác.

Kể từ khi khởi phát tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng 12/2019, đại dịch COVID-19 tới nay đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến tổng cộng hơn 6,84 triệu người mắc bệnh, trong đó có 398.141 người tử vong. Dịch bệnh đã đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng tê liệt vì các biện pháp phong tỏa trên diện rộng để ngăn chặn virus lây lan. Hiện giới khoa học và y tế vẫn đang nỗ lực tìm cách phát triển các phương pháp điều trị và tìm kiếm loại vắc-xin giúp phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.965.708 ca mắc và 111.390 ca tử vong. Xếp sau Mỹ về số ca tử vong là Anh với 40.261 ca trong số 283.311 nhưng là số nước có ca mắc COVID-19 đứng thứ năm thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 6/6, Ấn Độ ghi nhận tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 của nước này đã vượt Ý, quốc gia từng là tâm dịch châu Âu. Như vậy, Ấn Độ hiện đứng thứ 6 thế giới về số ca mắc bệnh.

Cụ thể, theo số liệu do Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ công bố sáng 6/6, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay với 9.887 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm trên toàn quốc lên 236.657 người, trong đó có 6.642 trường hợp tử vong, tăng 294 người trong 24 giờ qua. Hiện Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ, Brazil, Nga, Tây Ban Nha và Anh về tổng số ca nhiễm bệnh.

Dù đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt hơn 2 hai tháng qua, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ vẫn đang gia tăng và dịch chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Hiện Ấn Độ đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 6/6 cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 51 ca lên 11.719 ca. Tin vui là không có thêm ca tử vong nào trong khi đã có thêm 25 bệnh nhân COVID 19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.531 ca.

Tại châu Phi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho sáng kiến Hợp tác đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm COVID-19 tại châu Phi (PACT), trong bối cảnh tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng tại châu lục với 1,3 tỉ dân này.

Theo Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong, sáng kiến PACT do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng hiện được xem là phương thức duy nhất để ứng phó với dịch COVID-19 tại Lục địa Đen, đặc biệt khi các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây.

Nam Phi tiếp tục là tâm dịch của châu Phi khi trong ngày 5/6, quốc gia này đã ghi nhận 3.267 ca mắc mới, mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện tổng số ca nhiễm tại Nam Phi là 43.434 ca, trong đó có 908 ca tử vong. Xét riêng về số ca tử vong, Nam Phi đứng thứ hai sau Ai Cập (1.126) tại các nước châu Phi.

Liên minh châu Âu (EU) thông báo triển khai cầu hàng không nhân đạo để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch tại CHDC Congo, bắt đầu từ ngày 7/6. Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves le Drian, người đồng cấp Bỉ Philippe Goffin và Ủy viên EU về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic sẽ đến thủ đô Kinshasa để làm việc với Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi về kế hoạch này.

Các chuyến bay nhân đạo sẽ mang theo ít nhất 40 tấn hàng viện trợ, như là máy lọc nước, vật tư y tế... do EU, chính phủ các nước cũng như các cơ quan nhân đạo cung cấp. Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, ngoài COVID-19, CHDC Congo đang phải vật lộn để đối phó với các dịch bệnh khác như Ebola và sốt rét. EU đã cam kết dành 3,67 tỉ USD tài trợ và 1,4 tỉ USD tín dụng để giúp các nước nghèo, trong đó có CHDC Congo vượt qua khủng hoảng.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240738/g20-cam-ket-ho-tro-hon-21-ti-usd-cho-cuoc-chien-day-lui-dai-dich-covid-19-tren-toan-cau.html