G20 kêu gọi sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và tác động đối với nền kinh tế toàn cầu đã bao trùm Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia. Hầu hết các quốc gia thành viên đều kêu gọi sớm chấm dứt xung đột thông qua đàm phán, đồng thời nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đang đặt ra những thách thức lớn đối với thế giới. Vì vậy cuộc xung đột Nga-Ukraine đã trở thành chủ đề chính được thảo luận tại các phiên họp cũng như các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị. Với tư cách nước chủ nhà, Indonesia kêu gọi các nước G20 chung tay tìm cách kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ngoại trưởng Indonesia RETNO MARSUDI: "Trách nhiệm của chúng ta là phải kết thúc xung đột sớm hơn, và giải quyết những khác biệt của chúng ta trên bàn đàm phán, không phải ở chiến trường."

Những tác động của cuộc xung đột Ukraine đang được cảm nhận trên toàn cầu từ lương thực, năng lượng và tài chính, trong đó các nước đang phát triển và thu thập nhất bị tác động rõ nhất. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm ở mức 2,9%, trong khi lạm phát có thể tăng 8,7% tại các nước đang phát triển.

Ngoại trưởng Đức ANNALENA BAERBOCK: “Chúng ta đang phải hứng chịu những tác động toàn cầu từ cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc khủng hoảng lương thực, và điều quan trọng là cuộc xung đột này phải chấm dứt”.

Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, các quốc gia cũng khẳng định tầm vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tăng cường chủ nghĩa đa phương không phải là một sự lựa chọn, mà nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Ngoại trưởng Indonesia RETNO MARSUDI: “Chủ nghĩa đa phương là cách duy nhất để các nước phối hợp hiệu quả chống lại các thách thức toàn cầu. Chủ nghĩa đa phương sẽ chỉ phát huy nếu có sự tin tưởng giữa chúng ta. G20 phải là ngọn hải đăng cho các thách thức toàn cầu và chỉ khi đó G20 mới mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên và thế giới nói chung”.

Mặc dù hội nghị chưa đạt được kết quả cụ thể do còn mâu thuẫn và đối đầu, nhưng các nước đều đánh giá cao vai trò của Indonesia nước chủ nhà, không né tránh vấn đề gây tranh cãi, tạo ra một diễn đàn để các bên tiến hành “cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng”.

Thực hiện : Đinh Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/g20-keu-goi-som-cham-dut-cuoc-xung-dot-tai-ukraine