G20 sẽ không chỉ trích đích danh Nga và Trung Quốc

Hội nghị của các quan chức ngoại giao G20 lần này nhiều khả năng chỉ kêu gọi Trung Quốc và Nga tuân thủ các quy tắc của cộng đồng quốc tế, thay vì chỉ trích đích danh hai nước này.

Từ ngày 29/6, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi sẽ tham dự hội nghị cấp ngoại trưởng Nhóm G20 diễn ra tại thành phố Matera, miền Nam Italy. Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên của các nhà ngoại giao G20 trong 2 năm trở lại đây do tác động của dịch Covid-19.

Dự kiến, Nhật Bản sẽ kêu gọi các nước G20 tuân thủ và tăng cường các quy tắc thương mại, tài chính, tập trung vào các quy chế xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc và vấn đề nợ của các nước đang phát triển.

Hội nghị G20 sẽ là hội nghị trực tiếp đầu tiên của các nhà ngoại giao G20 trong 2 năm trở lại đây do tác động của dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Hội nghị G20 sẽ là hội nghị trực tiếp đầu tiên của các nhà ngoại giao G20 trong 2 năm trở lại đây do tác động của dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Nhật Bản muốn gì?

Theo kế hoạch, ngày 29/6 sẽ diễn ra hội nghị ngoại trưởng, hội nghị bộ trưởng phát triển, hội nghị bộ trưởng ngoại giao-phát triển của các nước G20. Italy - nước chủ nhà G20 - đã đề xuất một loạt chủ đề thảo luận như chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế về chính sách phòng chống Covid-19, an ninh lương thực, vấn đề châu Phi...

Tại hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 5 vừa qua cũng như tại hội nghị thượng đỉnh G7 giữa tháng 6/2021, những nước có chung quan điểm giá trị như Nhật Bản, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển châu Âu đã đạt được nhận thức chung về lập trường kiềm chế Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, do Trung Quốc cũng là thành viên của G20 nên hội nghị của các quan chức ngoại giao G20 lần này nhiều khả năng chỉ kêu gọi Trung Quốc và Nga tuân thủ các quy tắc của cộng đồng quốc tế, thay vì chỉ trích đích danh hai nước này.

Tại cuộc họp, Nhật Bản dự kiến kêu gọi tăng cường các quy tắc thương mại quốc tế công bằng, tự do - nhân tố cần thiết để cung cấp lương thực ổn định, đồng thời ngăn chặn các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu thịt bò và lúa mạch của Australia, coi đó là biện pháp trả đũa về chính trị, khiến cho quan hệ giữa 2 nước ngày càng xấu đi. Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19, một số nước, trong đó có Nga và Trung Quốc, đang bắt đầu hạn chế xuất khẩu lương thực.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng kêu gọi các nước tuân thủ các quy tắc quốc tế về tài chính phục vụ cho phát triển, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao nhưng coi trọng tính minh bạch, bền vững.

Sau khi kết thúc hội nghị G20 tại Italy, dự kiến Ngoại trưởng Motegi sẽ đi thăm 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva. Đây được coi là động thái tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực mà Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Không thể phủ nhận ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Trung và Đông Âu, song gần đây một số nước đang cân nhắc lại lập trường trong quan hệ với Trung Quốc.

Sẽ khó có đối thoại trực tiếp Mỹ-Trung

Một điểm đáng chú ý khác của hội nghị ngoại trưởng G20 lần này là khả năng sẽ diễn ra cuộc gặp bên lề trực tiếp giữa Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 25/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hiện chưa có thông tin gì về hoạt động này.

Trung Quốc được cho là sẽ tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác với Mỹ nhằm xây dựng một mô hình quan hệ mang tính xoa dịu căng thẳng với chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden, chẳng hạn như việc tổ chức đàm phán thương mại cấp bộ trưởng.

Tuy vậy, với sự kiện mang tính cột mốc quan trọng kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1/7, thất bại về ngoại giao là không được phép xảy ra.

Chính vì thế, nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ thận trọng trong việc cân nhắc thực hiện một cuộc đối thoại trực tiếp với phía Mỹ bên lề hội nghị ngoại trưởng G20 lần này bởi Mỹ luôn là nước chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền.

Trong một diễn biến khác, ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo kế hoạch điện đàm trực tuyến giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/6.

Dường như đây là động thái có chủ đích của Trung Quốc và Nga trước thềm hội nghị ngoại trưởng G20 nhằm thể hiện sự thống nhất Nga-Trung trong bối cảnh 2 nước này bị Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép.

(theo Sankei)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/g20-se-khong-chi-trich-dich-danh-nga-va-trung-quoc-149679.html