Gần 200 thầy mo, thầy cúng bàn giải pháp cải tạo hủ tục ở vùng cao

Sáng 25/10, tại huyện Si Ma Cai, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt các thầy mo, thầy cúng uy tín bàn giải pháp cải tạo tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham gia hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện UBND các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai và gần 200 thầy mo, thầy cúng uy tín trên địa bàn 3 huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai.

Tiết mục văn nghệ tại hội nghị.

Tiết mục văn nghệ tại hội nghị.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.747 thầy mo, thầy cúng, thầy then, trong đó dân tộc Dao chiếm 52%, dân tộc Mông chiếm gần 40%; còn lại là các dân tộc khác như: Tày, Nùng, Giáy, Phù Lá, Xa Phó, Hà Nhì…

Gần 200 thầy mo, thầy cúng tham gia hội nghị.

Gần 200 thầy mo, thầy cúng tham gia hội nghị.

Qua khảo sát các địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy người dân vẫn giữ gìn, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống từ lâu đời tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một số tập quán từ thời xa xưa hiện nay không còn phù hợp. Tiêu biểu như trong việc cưới hỏi vẫn còn thách cưới cao với người ngoài làng; phong tục kéo vợ bị biến dạng xuất hiện trở lại dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người; đến tháng 9/2019, toàn tỉnh còn 230 trường hợp tảo hôn, 4 trường hợp kết hôn cận huyết thống, cưới tổ chức ăn uống nhiều ngày. Trong đám tang vẫn còn hiện tượng người chết chưa được đưa vào áo quan, tổ chức cúng dài ngày gây tốn kém. Ngoài ra, một số nơi còn tình trạng thả rông gia súc, chưa xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, ô nhiễm môi trường… Các hủ tục để lại nhiều hệ lụy trong đời sống nhân dân.

Đại biểu tham gia ý kiến về cải tạo hủ tục ở vùng cao.

Đại biểu tham gia ý kiến về cải tạo hủ tục ở vùng cao.

Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về vai trò quan trọng của thầy mo, thầy cúng, thầy then, ông mai, bà mối trong việc cải tạo tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Các thầy mo, thầy cúng đã bàn các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, cải tạo, bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; cam kết thực hiện cải tạo tập quán lạc hậu như: Không xem ngày tháng cưới hỏi đối với các trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn, kết hôn cận huyết thống; lên án việc tảo hôn, ép cưới, lợi dụng tục bắt vợ, kéo vợ để buôn bán phụ nữ; không thách cưới cao, tổ chức ăn uống nhiều ngày; không để người chết quá 48 tiếng trong nhà; giảm sự rườm rà trong việc cúng, tế ở các lễ hội; vận động nhân dân không thả rông gia súc, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, đến cơ sở y tế khám bệnh khi ốm đau, không nghe theo kẻ xấu dụ dỗ gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc…

Trong thời gian tới, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyền truyền, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu; tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đổi mới tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể với việc phát huy vai trò của các thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng để xây dựng nếp sống văn minh; rà soát và sửa đổi, bổ sung nội dung hương ước, quy ước cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/gan-200-thay-mo-thay-cung-ban-giai-phap-cai-tao-hu-tuc-o-vung-cao-z8n20191025150537092.htm