Gắn kết chiều sâu, nâng tầm trải nghiệm

Vốn dĩ những năm qua, du lịch văn hóa chưa thực sự có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những loại hình du lịch mũi nhọn của hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (cũ). Sau khi 'về chung một nhà', trong không gian phát triển rộng mở và các cơ chế, chính sách kích cầu phù hợp cùng với tiềm năng dồi dào vốn có, nhất là sự quyết liệt của đội ngũ những người làm công tác du lịch, kỳ vọng du lịch văn hóa sẽ thực sự tìm được chỗ đứng. Từ đó, sẽ trở thành 'mỏ vàng' thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Điểm du lịch thác Tà Puồng luôn hấp dẫn du khách đến tham quan trải nghiệm các giá trị văn hóa độc đáo.

Điểm du lịch thác Tà Puồng luôn hấp dẫn du khách đến tham quan trải nghiệm các giá trị văn hóa độc đáo.

Đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình (cũ) có đời sống văn hóa độc đáo, mang dấu ấn riêng với hai lễ hội đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là: Lễ hội trỉa lúa (xã Trường Sơn) và lễ hội mừng cơm mới (xã Kim Ngân). Nhận thấy tiềm năng từ du lịch văn hóa, Công ty TNHH Netin (Netin Travel) từ năm 2019 đã mạnh dạn triển khai tour “Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa độc đáo của người Bru-Vân Kiều hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh” tạo dấu ấn riêng có, hấp dẫn du khách.

Đến với sản phẩm du lịch này, du khách được trải nghiệm đa dạng các loại hình du lịch, từ trekking và khám phá hang động, các hoạt động ngoài trời, cho đến tìm hiểu văn hóa độc đáo của người Bru-Vân Kiều, như: Ẩm thực, âm nhạc truyền thống, trang phục...

Sau này, Netin Travel tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn ở xã Kim Ngân, trong đó, trải nghiệm văn hóa tại bản Rum Ho là điểm nhấn quan trọng. Công ty chú trọng sự tham gia của đồng bào Bru-Vân Kiều vào hoạt động du lịch thông qua hình thức du lịch cộng đồng, nâng tầm chiều sâu trải nghiệm văn hóa của du khách.

Theo Giám đốc Netin Travel Trần Xuân Cương, du lịch văn hóa được xác định là một trong những thế mạnh của công ty, góp phần định hình nên thương hiệu nhận diện và mang lại những ý nghĩa cộng đồng khi tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngay từ khi mới manh nha hình thành tour, Netin Travel đã phối hợp chặt chẽ với các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đội ngũ các nghệ nhân để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, tạo chiều sâu cho các tour, mang lại trải nghiệm mới cho du khách. Đồng thời, chú trọng phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho nguồn lực phục vụ du lịch, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Hồ Văn Giỏi (thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Lập) là quản lý của điểm du lịch sinh thái thác Tà Puồng. Anh cho biết, mục tiêu của sản phẩm du lịch này là mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ. Du khách vừa hòa mình với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa tìm hiểu, khám phá nét văn hóa độc đáo của người Bru-Vân Kiều nơi đây, từ ẩm thực, trang phục truyền thống đến nhạc cụ, dân ca và cả đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Sản phẩm du lịch này còn góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 nhân lực là đồng bào Bru-Vân Kiều.

Anh Hồ Văn Giỏi chia sẻ: “Thời gian qua, Netin Travel cũng đã tích cực phối hợp để đưa khách du lịch từ Quảng Bình (cũ) đến với thác Tà Puồng. Chúng tôi tự hào là một điểm đến nhằm giới thiệu, quảng bá nhiều hơn hình ảnh thác Tà Puồng cùng các giá trị văn hóa độc đáo đến với du khách gần xa. Trong tương lai, kỳ vọng sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp làm du lịch của tỉnh Quảng Trị mới sẽ tiếp tục được thắt chặt”.

Với đa dạng các giá trị văn hóa đặc sắc, tỉnh Quảng Trị mới nhiều tiềm năng để thúc đẩy du lịch văn hóa.

Với đa dạng các giá trị văn hóa đặc sắc, tỉnh Quảng Trị mới nhiều tiềm năng để thúc đẩy du lịch văn hóa.

Như vậy có thể thấy, với những nét tương đồng của không ít di sản văn hóa phi vật thể của hai tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị (cũ) và nhiều giá trị văn hóa độc đáo của tỉnh Quảng Trị mới, sau sáp nhập, sẽ còn rất nhiều việc phải làm trước mắt và lâu dài để du lịch văn hóa thực sự trở thành loại hình du lịch mũi nhọn. Từ đó, không để lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa vốn quý của vùng đất Quảng Trị hàng trăm năm lịch sử trong một không gian phát triển du lịch rộng mở. Riêng với các doanh nghiệp, họ đã có sự chuẩn bị dài hơi ngay từ trước khi “về chung một nhà”.

Theo thống kê, Quảng Bình (cũ) hiện có 13 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và với Quảng Trị (cũ) con số này là 3 di sản. Quảng Trị (mới) là nơi sinh sống của đồng bào Bru-Vân Kiều, Tà Ôi với “kho tàng” văn hóa độc đáo, chưa được khám phá nhiều. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể giàu tiềm năng phát triển du lịch của vùng đất này.

Ông Trần Xuân Cương cho biết: “Khi tổ chức tour du lịch gắn liền với bà con Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình (cũ), chúng tôi nhận thấy một lượng lớn khách du lịch khách quốc tế đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với mong muốn ở lại, trải nghiệm văn hóa bản địa. Do đó, chúng tôi đến Quảng Trị (cũ) và mở một công ty du lịch với hy vọng sẽ triển khai sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để thu hút khách du lịch.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chú trọng quảng bá cho khách nội địa cũng như khách quốc tế về sản phẩm ở khu vực miền Tây của Quảng Trị mới. Những sản phẩm du lịch mới ở Quảng Trị (cũ) cũng sẽ tiếp nối những sản phẩm mà chúng tôi đang triển khai và có thể kết hợp thành một chuỗi du lịch miền Tây của tỉnh Quảng Trị mới”.

Theo ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại, Xây dựng và Du lịch Vĩnh Hồ, ông thường xuyên triển khai các tour đưa du khách đến Quảng Bình-Quảng Trị (cũ), nhất là các khách có nhu cầu khám phá, trải nghiệm về văn hóa, lịch sử. Trước đây, trên hành trình của mình, du khách thường rút ngắn thời gian ở Quảng Trị (cũ) mà chọn đi tiếp TP. Huế, TP. Đà Nẵng hoặc các tỉnh, thành phố khác do nhiều lý do.

Nay thì đã khác, khi về chung một nhà, không gian phát triển rộng mở, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa kỳ vọng sẽ trở thành thế mạnh, liên kết chặt chẽ với các loại hình du lịch khác, góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch Quảng Trị mới.

Thời gian tới, để du lịch văn hóa đi vào chiều sâu, nâng tầm trải nghiệm du khách, vấn đề nguồn nhân lực cần được quan tâm hàng đầu bên cạnh các yếu tố khác. Bởi theo như anh Hồ Văn Giỏi đã chia sẻ, bà con Bru-Vân Kiều muốn làm du lịch chuyên nghiệp và được bồi dưỡng, đào tạo bài bản, kỹ lưỡng. Đồng thời, khâu quảng bá cần có những giải pháp sáng tạo, đột phá, liên kết chặt chẽ, tránh lối mòn và nhất là tạo được điểm nhấn văn hóa nổi bật.

Về phía các doanh nghiệp du lịch chuyên về du lịch văn hóa, việc được tạo điều kiện để xây dựng, hoàn thiện sản phẩm đóng vai trò then chốt. Ông Trần Xuân Cương nhận định, công ty cũng kỳ vọng các sở, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ trong quá trình triển khai các dự án về du lịch để có thể đưa những sản phẩm vào hoạt động.

Nhờ vậy, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch cho khu vực miền Tây Quảng Trị mới và mang lại sinh kế cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở địa phương.

Mai Nhân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gan-ket-chieu-sau-nang-tam-trai-nghiem-195478.htm