Gặp gỡ những nữ văn nghệ sĩ tuổi Dần của văn đàn Xứ LạngTin khácTiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt pháPhát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022

Người tuổi Dần (con hổ, cọp) thường được đánh giá là những người có ý chí phấn đấu, luôn giữ suy nghĩ và hành động tích cực, càng khó khăn họ càng vươn lên mạnh mẽ để gặt hái nhiều thành công vẻ vang. Trong văn đàn Xứ Lạng có nhiều nữ văn nghệ sĩ tuổi Hổ đã thành danh trên các lĩnh vực như: thơ, văn xuôi, mỹ thuật, sân khấu… Nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần, xin mời bạn đọc Báo Lạng Sơn cùng gặp gỡ và trò chuyện với một số nữ văn nghệ sĩ tuổi Dần của văn đàn Xứ Lạng.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Thu Hương – Từ tiếng hát núi rừng đến nghệ sĩ Nhân dân

Hoàng Thu Hương, dân tộc Nùng, sinh năm 1962 tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Khi còn nhỏ, chị đã được nghe lời ru của mẹ bằng những câu sli, câu lượn chan chứa yêu thương. Để rồi đến năm lên 9 đến10 tuổi, Hoàng Thu Hương đã được nhiều người biết đến khi thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội ở địa phương.

Thấy Thu Hương ngày càng bộc lộ rõ tài năng văn nghệ và luôn có ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật, ca sĩ Hồng Minh, Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn (chị gái của Thu Hương) đã gần gũi và hướng dẫn em mình tập làm quen với những ca khúc có kỹ thuật cao về thanh nhạc để Thu Hương phát triển giọng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, năm 1982, Thu Hương đăng ký tham dự thi tuyển và trúng tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn với số điểm cao nhất.

Chỉ sau 3 năm vào nghề, ca sĩ trẻ Thu Hương đã gây được tiếng vang trong hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp tổ chức tại Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1985. Với chất giọng bẩm sinh trữ tình, trong sáng, mượt mà, ca sĩ Thu Hương đã thể hiện khá thành công ca khúc “Đỉnh gió Na Dương” của nhạc sĩ Vũ Thanh, được ban giám khảo trao huy chương bạc.

Chia sẻ về kỷ niệm này, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hương cho biết: Khi cầm tấm huy chương đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật, Thu Hương đã khóc vì quá sung sướng. Và lúc đó, tôi đã nghĩ và tâm niệm rằng sẽ kiên trì theo đuổi đam mê để gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa phục vụ khán giả.

Không tự bằng lòng với chính mình, Thu Hương tiếp tục xin được đi học để nâng cao trình độ thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khóa 1996 – 2000. Khi trở lại với ánh đèn sân khấu, giọng hát của chị lại càng như được chắp cánh bay cao, bay xa hơn…

Trong suốt 37 năm (1982 – 2019), Thu Hương công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, với năng khiếu có sẵn, lòng đam mê, sự nỗ lực phấn đấu học hỏi, rèn luyện đã giúp chị vượt qua được muôn vàn khó khăn, thử thách trong cuộc sống riêng tư, cũng như trên con đường sự nghiệp. Trong đó, một số ca khúc trữ tình mang chất liệu dân ca miền núi như: “Đỉnh gió Na Dương” của nhạc sĩ Vũ Thanh; “Đừng quên em” của nhạc sĩ Lương Nguyên; “Mối tình Tô Thị” của nhạc sĩ Phó Đức Phương; “Gọi bạn đêm trăng” của nhạc sĩ Phạm Tịnh; “Hương hồn xứ Lạng” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính… đều được Thu Hương thể hiện rất thành công và đoạt giải cao trong các lần hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp khu vực và toàn quốc. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Hoàng Thu Hương đã gặt hái được gần chục tấm huy chương vàng, bạc; được nhận 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 16 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 5 bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2000, Hoàng Thu Hương được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và năm 2007, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; năm 2015, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2012, Hoàng Thu Hương được bổ nhiệm giữ chức Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Thu Hương chia sẻ: Phụ nữ tuổi Nhâm Dần khá là vất vả, nhiều trắc trở nhưng luôn mạnh mẽ vươn lên. Trong sự nghiệp, tôi tự thấy mình là người may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở cái nôi dân ca miền núi, vì vậy, dù tôi không muốn chọn nghề thì nghề cũng chọn tôi.

Những cống hiến của Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hương không chỉ là niềm tự hào của chị, gia đình chị mà còn là niềm tự hào của Xứ Lạng. Chị thực sự là người nghệ sĩ của Nhân dân, xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Nhà giáo, nhà văn Lộc Bích Kiệm – Người có duyên với văn chương

Sinh năm Nhâm Dần 1962, năm 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, cô gái Tày Lộc Bích Kiệm đã đi theo nghề giáo và công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn từ năm 1985 đến năm 2007. Mặc dù theo nghề giáo nhưng Lộc Bích Kiệm lại được thừa hưởng tình yêu, sự say mê văn chương từ kho văn hóa văn nghệ truyền thống của bố, mẹ và chị gái trong gia đình. Trong suốt thời gian dạy học, cô giáo Lộc Bích Kiệm thường xuyên sáng tác văn chương và đã được kết nạp vào hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Lạng Sơn năm 1997. Và đến năm 2007 thì cơ duyên đưa chị về hẳn với VHNT khi được điều chuyển công tác và nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh.

Nhà giáo, nhà văn Lộc Bích Kiệm chia sẻ: Xưa các cụ hay nói con gái tuổi Hổ số khổ, vất vả, giờ qua 60 năm chiêm nghiệm, tôi mới thấy bản thân mình thực sự đã rất nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh, số phận để được học hành, lập nghiệp và theo đuổi đam mê văn chương. Khi được điều chuyển công tác, tôi vừa cố gắng học hỏi công tác quản lý, vừa bắt đầu đắm mình vào sáng tác. Tôi viết về văn hóa truyền thống, phân tích, bình luận về tác phẩm văn học, sáng tác văn thơ. Những tác phẩm, công trình của tôi đã lần lượt xuất bản và tạo được sự quan tâm, đồng cảm, đánh giá tích cực từ bạn đọc, giới nghiên cứu, cuộc thi (giải thưởng), hiệu ứng xã hội là động lực để tôi tiếp tục đam mê với VHNT.

Hiện nay, nhà văn Lộc Bích Kiệm đã có 10 đầu sách gồm: 4 tập thơ, 6 cuốn nghiên cứu – lý luận – phê bình, 1 cuốn ký và nhiều sách in chung cùng các tác giả khác. Nữ văn nghệ sĩ tuổi Nhâm Dần đã nhận được một số giải thưởng của tỉnh và trung ương, được ghi nhận và kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017.

Hiện nay, đã nghỉ hưu, nhưng nữ văn nghệ sĩ vẫn đau đáu, đam mê sáng tác và thường xuyên có tác phẩm đăng tải trên văn đàn Xứ Lạng cũng như tạp chí các tỉnh bạn và trung ương.

Có thể nói những thành tựu của nữ văn nghệ sĩ Lộc Bích Kiệm đã đóng góp chung vào kết quả VHNT của tỉnh nhà, làm phong phú đời sống văn hóa văn nghệ trong văn đàn Xứ Lạng. Bởi với nữ văn nghệ sĩ thì “nguồn cảm hứng văn chương, cuộc sống, con người và cả những nỗi niềm riêng tư của bản thân về gia đình, tình yêu cũng dần dần được bộc bạch, cởi bỏ. Có thể nói văn chương đã đưa tôi trở thành một con người khác từ trong tinh thần, tâm hồn, tình cảm”.

Họa sĩ Vy Thị Hương Ly – Từ đam mê thuở nhỏ đến nghiệp cầm cọ sau này

Vy Thị Hương Ly dân tộc Tày, sinh năm 1962, tại mảnh đất Chi Lăng giàu truyền thống cách mạng và nổi tiếng với những di tích lịch sử. Năm 1985, chị tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo về mỹ thuật và nhận công tác tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Lạng Sơn. Năm 1995, chị tiếp tục theo học lớp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và sau đó trở về trường tiếp tục giảng dạy chuyên ngành mỹ thuật. Chị đã cùng đồng nghiệp đóng góp vào việc đào tạo các sinh viên, học sinh chuyên ngành mỹ thuật và hệ sư phạm mỹ thuật, các lớp năng khiếu vì sự nghiệp phát triểnVHNT của tỉnh nhà.

Không chỉ tham gia giảng dạy, nữ giáo viên còn đam mê sáng tác hội họa sau những giờ miệt mài trên bục giảng. Chị được kết nạp hội viên Hội VHNT tỉnh năm 1993, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014.

Nữ họa sĩ Vy Thị Hương Ly chia sẻ: Từ ngày còn nhỏ, tôi đã thích vẽ. Lúc đầu nghĩ gì thì vẽ cái đấy, tranh thủ những thời gian rảnh là ngồi vẽ trong khi gia đình lại không ai theo nghiệp này. Thích vẽ là thế nhưng tôi chưa dám mơ ước trở thành họa sĩ, vậy nên khi học hết phổ thông, con đường sự nghiệp của tôi lại rẽ sang làm người chèo thuyền, lái đò, gieo đam mê, ước mơ cho học sinh, sinh viên. Nhưng đúng là đã có duyên thì dù trong bối cảnh, hoàn cảnh nào thì vẫn vận vào mình. Ngoài giờ lên lớp, tôi tranh thủ sáng tác và tham gia nhiều cuộc thi, hoạt động sáng tác do Hội VHNT tỉnh, các hội khu vực phát động. Nhiều tranh được triển lãm, được giải thưởng càng trở thành động lực để tôi thêm say mê cầm cọ.

Trong các tác phẩm của mình, nữ họa sĩ Vy Thị Hương Ly rất thích sử dụng chất liệu lụa bởi chị cho rằng đây là chất liệu nhẹ nhàng, tinh tế, chuyển tải sống động và khắc họa rõ nét đời sống đồng bào dân tộc miền núi. Trong đó có thể kể đến một số tác phẩm ấn tượng và gặt hái giải thưởng lớn của chị như: Phong cảnh An toàn khu (giải A Giải thưởng Hoàng Văn Thụ); Nhuộm chàm (giải B Giải thưởng Hoàng Văn Thụ); phong cảnh làng cổ Bắc Sơn (giải thưởng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam)…

Nói về tuổi Nhâm Dần của mình, nữ họa sĩ Vy Thị Hương Ly cho rằng: Tuổi Hổ, nhất là con gái tuổi này thường độc lập, tự chủ, không thích dựa dẫm vào ai và trong mọi hoàn cảnh khó khăn đều nỗ lực vươn lên, không chịu khuất phục. Qua 60 năm chiêm nghiệm, tự đúc rút, rèn luyện đã giúp tôi đi qua những khó khăn, vất vả của cuộc sống để dành thời gian cho giảng dạy và vẽ. Nếu không thực sự đam mê và dấn thân thì không thể làm tốt cả hai việc cùng lúc được, đó là nghề dạy học và nghiệp vẽ.

Với những năm tháng cống hiến trong nghề giáo, Vy Thị Hương Ly đã nghỉ hưu năm 2017, chị đã được các cấp, ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen, danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền. Trong sự nghiệp giáo dục, chị đã chèo lái những chuyến đò đưa học trò đến bến bờ thành công của sự nghiệp. Bản thân chị cũng đã biến đam mê ngày bé trở thành hiện thực, nhiều tác phẩm của chị ghi dấu ấn với giới hội họa trong tỉnh, khu vực và toàn quốc, đóng góp vào thành tích chung của VHNT tỉnh nhà.

Lời kết

Chúng ta có thể thấy rằng, tuổi nào cũng có những nhân vật kiệt xuất, những văn nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật, tuổi Nhâm Dần cũng vậy. Không rõ tuổi vận vào từng người như thế nào nhưng nhìn những nỗ lực của các chị đối với hội họa, văn chương, sân khấu trong suốt chặng đường làm nghề thực sự đáng được ghi nhận. Nhân dịp đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, xin chúc các nữ văn nghệ sĩ tuổi Nhâm Dần tiếp tục đam mê, cống hiến cho quê hương Xứ Lạng.

PHONG LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/474865-gap-go-nhung-nu-van-nghe-si-tuoi-dan-cua-van-dan-xu-lang.html