GDP quý II/2024 tăng 6,93%, nhưng vẫn có hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản mỗi tháng

GDP quý II/2024 ghi nhận mức tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 vào sáng 29/6, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam trong quý II tăng trưởng tích cực.

Theo bà Hương, GDP quý II/2024 ghi nhận mức tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì Họp báo. Ảnh: Việt Vũ

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì Họp báo. Ảnh: Việt Vũ

Như vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.

Một số chỉ tiêu kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng khá. Đơn cử, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%.

Về xuất nhập khẩu, trong quý II, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.

Như vậy, tính chung sáu tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Về đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6 đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng đầu năm trong 5 năm qua”, bà Hương nhấn mạnh.

Về hoạt động ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, bà Hương cho biết thêm: Tính đến thời điểm 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2024 ước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8%.

Ngoài ra, tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.309 tỷ đồng/phiên, tăng 38,3% so với bình quân năm 2023; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.187 tỷ đồng/phiên, tăng 56,3%.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 218.500 hợp đồng/phiên, giảm 7,1%; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 56,9 triệu chứng quyền/phiên, tăng 73,7% và giá trị giao dịch đạt 50,8 tỷ đồng/phiên, tăng 77,7%.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tính chung sáu tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110.300 doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gdp-quy-ii-2024-tang-693-nhung-van-co-hang-chuc-nghin-doanh-nghiep-pha-san-moi-thang-post301676.html